largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

HTX đồng hành cùng nông nghiệp xanh Bác Ái

Cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, những năm qua, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao vai trò của các mô hình HTX, tổ hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các vùng canh tác an toàn sinh thái, từng bước giúp người nông dân thoát nghèo, làm giàu.

 Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Bác Ái đã tăng cường hỗ trợ người dân, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, thân thiện môi trường, chú trọng liên kết “4 nhà” cũng như nâng cao nhận thức của nông dân về tính hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới.

HTX khẳng định vai trò

Hướng tới môi trường trong lành, hạn chế ô nhiễm, các thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận (thôn Tà Lọt, xã Phước Hòa) đã hướng dẫn hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số cùng nhau trồng điều hữu cơ.

Các HTX đang liên kết người dân sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường (Ảnh TL).

Các HTX đang liên kết người dân sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường (Ảnh TL).

Khi bắt tay vào sản xuất, HTX đã lên kế hoạch cụ thể để có thể đưa 1.200ha cây điều đạt chứng nhận hữu cơ. Để làm được điều này, các thành viên đã phải trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên truyền, đào tạo cho người dân về ý nghĩa, vai trò và quy trình sản xuất điều hữu cơ.

Theo đó, các hộ dân chỉ được phép sử dụng các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống đã được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền (không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổng hợp).

Mỗi hộ tham gia đều phải có sổ sách ghi chép việc quản lý canh tác hữu cơ như: vật tư đầu vào, đầu ra, các biện pháp tác động và xử lý trong quá trình canh tác… Các thông tin này cho thấy sự minh bạch trong sản xuất hữu cơ, giúp tránh được việc tái sử dụng hóa chất hay trộn hàng từ bên ngoài. Toàn bộ quá trình này sẽ được thanh tra hàng năm bởi một bên thứ ba là cơ quan chuyên môn có thẩm quyền kiểm tra và cấp chứng nhận.

Để hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, việc HTX quan tâm đầu tiên chính là cần phòng trừ sâu bệnh hại và ngăn chặn dịch hại bùng phát bằng cách kiểm tra cây trồng thường xuyên, bắt sâu bằng tay, vệ sinh vườn trồng sạch sẽ, sử dụng bẫy côn trùng hoặc thuốc sinh học.

Các hộ trồng điều tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ. Nếu có ít cỏ thì làm bằng tay, nếu cỏ nhiều thì cắt định kỳ và tận dụng ủ làm phân bón.

Nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, 2 năm qua, dù phải trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX vẫn hoàn thành chứng nhận được 1.200ha cây điều hữu cơ mang thương hiệu Ninh Thuận.

Chú trọng tính bền vững

HTX Đồng Thuận chỉ là một điển hình hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế và môi trường trên địa bàn huyện Bác Ái. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 7 HTX, 15 tổ hợp tác (THT), 19 nhóm cùng sở thích trồng trọt, chăn nuôi.

Phần lớn các HTX, THT hay nhóm sở thích trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động tương đối ổn định và có bước phát triển, dần khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn theo hướng làm ăn mới, liên kết các HTX và các doanh nghiệp hình thành các liên minh sản xuất và tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh như nho, táo, hành, tỏi, rau sạch, rong sụn, dê, cừu…

Sự đồng hành của HTX giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất, cải thiện đời sống (Ảnh TL).

Sự đồng hành của HTX giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất, cải thiện đời sống (Ảnh TL).

Đặc biệt, các HTX, THT trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng các giống cây-con chịu hạn.

Ở góc độ HTX tham gia chuỗi giá trị, có một số mô hình HTX kiểu mới đã hoạt động hiệu quả và bước đầu được nhân rộng. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Sản xuất tổng hợp nông nghiệp Phước Đại (xã Phước Đại) vừa phát triển các loại hình dịch vụ, vừa phát triển chăn nuôi.

Do kết nối người dân với các doanh nghiệp, trung tâm nên chuỗi giá trị sản xuất của HTX đã phát triển bền vững, sản phẩm của người dân và thành viên đều có đầu ra. Hoạt động của HTX đã giúp khoảng 300 hộ dân tập trung phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập.

Chính sự hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, đang giúp diện mạo kinh tế xã hội huyện Bác Ái khởi sắc trong 5 năm qua. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm là 5%. (hiện còn hơn 28%, đạt kế hoạch).

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện cơ bản được hoàn thiện. Sản xuất nông nghiệp đã chuyển dịch đúng hướng. Huyện đã thực hiện các mô hình cánh đồng lớn trồng lúa ở xã Phước Chính, mô hình trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao ở xã Phước Bình,… bước đầu cho thấy giá trị cao.

Để phong trào kinh tế hợp tác trên địa bàn tiếp tục phát triển bền vững, huyện Bác Ái dự kiến tiếp tục chỉ đạo xử lý những tồn tại của HTX sau chuyển đổi và tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật HTX 2012.

Mặt khác, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về kinh tế tập thể nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhân dân hiểu đúng và đầy đủ hơn về bản chất và mô hình HTX kiểu mới, từ đó làm nền tảng phát triển kinh tế xã hội cũng như xóa đối giảm nghèo nhanh và bền vững.