largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Hiểm họa chết người từ TikTok

Để có được những nút like ảo, bình luận tung hô trên nền tảng video này, không ít người trẻ mạo hiểm sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình.

Trong giờ nghỉ giải lao trưa 15/1, H.Q.B. (20 tuổi, TP Lào Cai) trèo lên mái nhà quay clip để đăng lên ứng dụng TikTok. Nam thanh niên có hơn 140.000 người theo dõi trên nền tảng này.

Không may, B. trượt chân, ngã xuyên qua mái nhà tầng 5 xuống đất, thiệt mạng tại chỗ.

H.Q.B. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp người dùng gặp nạn khi thực hiện clip hoặc hưởng ứng các trào lưu, thử thách được phát động trên TikTok.

Đáng lo ngại, phần lớn người đăng tải, xem các video TikTok đều thuộc độ tuổi 16-24. Dù nhiều sự việc đáng tiếc được ghi nhận, không ít người vẫn bất chấp nguy hiểm để có nhiều lượt xem, “thả tim” trên nền tảng này.

Không ít người trẻ bất chấp nguy hiểm để có nhiều lượt xem, “thả tim” trên TikTok. Ảnh: Moms.

Không ít người trẻ bất chấp nguy hiểm để có nhiều lượt xem, “thả tim” trên TikTok. Ảnh: Moms.

Bán mạng vì like

Tháng 10/2020, trong lúc quay video dàn dựng cảnh bắt cóc cùng nhóm bạn ở thành phố Chihuahua (Mexico) để đăng TikTok, Areline Martinez (sinh năm 2000) bị bắn một phát súng vào đầu. Cô thiệt mạng tại chỗ.

Theo điều tra, ít nhất 10 người có mặt tại hiện trường vào thời điểm Martinez bị bắn. César Augusto Peniche Espejel, thị trưởng thành phố, cho biết một trong những giả thuyết đặt ra là thủ phạm nghĩ rằng khẩu súng lục - đạo cụ quay video - đã hết đạn nên vô tình bắn vào đầu Martinez.

Trước khi xảy ra vụ việc, Martinez nhiều lần đăng video có nội dung tương tự. Các clip của cô thường xoay quanh cảnh một nhóm đàn ông bịt mắt, trói tay và chân cô trong khi nữ chính giả vờ chống cự, la hét, theo Insider.

Areline Martinez ra đi ở tuổi 20 khi quay clip TikTok dàn dựng cảnh bị bắt cóc. Ảnh: Instagram NV.

Areline Martinez ra đi ở tuổi 20 khi quay clip TikTok dàn dựng cảnh bị bắt cóc. Ảnh: Instagram NV.

Tháng 8/2019, Mohammad Noor Ansari (16 tuổi, Ấn Độ) cùng nhóm bạn đến đường ray xe lửa gần ga Purulia với hy vọng tạo ra clip “triệu view” trên TikTok.

Mải tạo dáng sát đường ray, Ansari không để ý một đoàn tàu đang lao nhanh tới dù người bạn gần đó hét lớn thông báo.

Sau cú va chạm, thanh niên 16 tuổi thiệt mạng. Saukat, bạn đi cùng Ansari, cũng bị gãy chân trái.

“Cậu ấy thường quay các clip gần đường ray để đăng lên TikTok nhưng có lẽ không bao giờ ngờ rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc chính ở những đường ray đó”, Saukat nói.

Trước đó không lâu, một bé gái 2 tuổi ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) nguy kịch sau khi bố em tái hiện hành động nguy hiểm xem được trên TikTok.

Ông bố lộn ngược con trên không nhưng không bắt kịp, khiến cô bé bị chấn thương nặng ở vùng đầu.

Cuối 2019, trào lưu có tên Skull Breaker Challenge (tạm dịch: thử thách kẻ phá huỷ hộp sọ) cũng khiến không ít người trẻ gặp họa. Khi tham gia thử thách, người ở giữa sẽ nhảy lên cao trong khi hai người đứng kế bên đá vào phía sau chân người nhảy, khiến người này ngã xuống đất, đập lưng và đầu xuống sàn.

Tháng 11/2019, Skull Breaker Challenge khiến một cô gái 16 tuổi người Brazil tử vong.

Tại Fort Worth, bang Texas (Mỹ), ít nhất 3 học sinh trung học phải nhập viện vì hưởng ứng trào lưu Benadryl Challenge - thách thức người tham gia uống 12 viên thuốc dị ứng để chìm vào ảo giác, tìm cảm giác hưng phấn.

Nhiều người trẻ bị chấn thương, thậm chí mất mạng khi quay clip hưởng ứng trào lưu nguy hiểm Skull Breaker Challenge trên TikTok. Ảnh: BBC.

Nhiều người trẻ bị chấn thương, thậm chí mất mạng khi quay clip hưởng ứng trào lưu nguy hiểm Skull Breaker Challenge trên TikTok. Ảnh: BBC.

Chưa biết sợ

Việc ngày càng nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra khi các TikToker thực hiện hành động nguy hiểm để quay clip thậm chí khiến nhiều quốc gia phải ban hành quy định cấm hoặc kêu gọi phụ huynh giám sát con cái khi sử dụng mạng xã hội này.

Tại Thái Lan, trong trường hợp người tham gia Skull Breaker Challenge chấn thương hoặc tử vong, những ai liên quan sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 10 năm và phạt tiền 40.000 baht (1.286 USD).

Tuy nhiên, trước khi thực sự bị tử thần gõ cửa, không phải TikToker nào cũng nhận thức được độ nguy hiểm và ngu ngốc trong hành vi của mình chỉ vì những clip chưa đến một phút trên mạng.

Đối với nhiều thanh thiếu niên, điều hấp dẫn nhất họ khi tham gia nền tảng này là sự nổi tiếng.

"So với Facebook và Instagram, ở đây cháu được nhiều lượt thích hơn. Điều đó khiến cháu cảm thấy mình đã làm được điều gì đó lớn lao”, một nữ sinh lớp 8 nói với South China Morning Post về lý do say mê TikTok.

Cô bé hơn 13 tuổi đã có khoảng 650 video, hút 35.400 lượt like và 2.000 người theo dõi trên nền tảng của ByteDance.

Bất chấp nhiều cảnh báo, nhiều người vẫn mạo hiểm để quay clip đăng TikTok. Ảnh cắt từ clip.

Bất chấp nhiều cảnh báo, nhiều người vẫn mạo hiểm để quay clip đăng TikTok. Ảnh cắt từ clip.

Với những hào quang tự vẽ ra trước mắt, mặc bao lời cảnh báo, mỗi ngày, hàng trăm, hàng nghìn người vẫn đang lao vào cuộc đua tạo ra các clip để kiếm like trên TikTok.

Tháng 2 năm ngoái, Jason Clark - TikToker có hơn 400.000 người theo dõi - khoét thủng lớp băng đóng trên mặt hồ nước rồi cởi trần, nhảy xuống bơi ở phần nước lạnh bên dưới trong khi một người bạn ghi hình lại ở bên trên.

Để tạo độ kích thích, Clark còn bơi cách nơi phá băng một đoạn khá xa. Tuy nhiên, do nhiệt độ quá lạnh, phần băng bên trên dày, Clark loay hoay mãi mới có thể tìm về điểm xuất phát ban đầu để ngoi lên.

“Tôi cố gắng phá băng để ngoi lên nhưng không thể. Tôi không ngờ cơ thể lại mất sức nhanh như vậy”, Clark nói.

Dưới clip của Clark, không ít người chỉ trích, ném đá hành động thiếu suy nghĩ của nam TikToker.

“Lần này, anh đã gặp may. Nhưng thử tưởng tượng trong trường hợp anh hết hơi và bất tỉnh trước khi tìm thấy lối ra, chắc bên dưới clip này là những lời chia buồn đến gia đình anh thay vì những lời tung hô, cổ vũ sáo rỗng rồi”, một người mỉa mai.