largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Hậu Giang: Mở rộng, phát triển mô hình nuôi cá ruộng

Nhờ tốn ít công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp và lợi nhuận đạt khá mà trong vài năm gần đây nuôi cá ruộng đã trở thành mô hình được nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang lựa chọn để thay thế sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang đã xây dựng nhiều mô hình nuôi cá ruộng theo hướng nâng cao giá trị tại các địa phương có điều kiện phát triển hình thức này như huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và Vị Thủy, trong đó tập trung các đối tượng nuôi như cá rô đồng, cá lóc đồng, trê vàng… Theo thống kê diện tích nuôi cá ruộng trên toàn tỉnh năm 2020 đạt 4.670ha, tăng 7,7% so với năm 2019.

Năm 2021, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển diện tích nuôi cá ruộng lên 4.700ha

Năm 2021, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển diện tích nuôi cá ruộng lên 4.700ha

Theo nhiều nông dân nuôi cá trên ruộng ở huyện Phụng Hiệp, vụ cá mới thu hoạch vừa qua năng suất có giảm khoảng 30% do nước lên đồng chậm, cá giống được thả lên đồng cũng muộn nên không lớn bằng mọi năm. Tuy nhiên, cá được thương lái thu mua với giá cao hơn năm ngoái khoảng 20% nên bà con vẫn có thu nhập cao.

Cụ thể, năng suất cá ở mức từ 1-1,2 tấn/hecta và được thu mua với giá cá chép ở mức từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, cá mè ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg, các loại cá rô phi 20.000 đồng/kg, cá lóc ở mức 60.000 - 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên ruộng có thu nhập từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/hecta, sau hơn 3 tháng thả nuôi.

Trong năm 2021, tiếp tục khai thác tiềm năng từ diện tích sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang đề ra mục tiêu phát triển mô hình nuôi thủy sản trên ruộng theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả gắn với tiêu thụ và chế biến, toàn tỉnh sẽ phát triển khoảng 4.700ha nuôi cá ruộng, tăng 30ha so với năm 2020.

Việc nuôi cá trên ruộng lúa đem lại rất nhiều lợi ích như bà con nông dân có thêm thu nhập; đồng thời hạn chế được rủi ro do ảnh hưởng của thời tiết so với sản xuất lúa; bên cạnh đó, giải quyết được vấn đề độc canh cây lúa làm cho đất ngày càng suy thoái, hạn chế được sâu bệnh và giảm chi phí phân bón ở vụ lúa tiếp theo do đất được bổ sung lượng dinh dưỡng từ phân cá, rơm rạ phân hủy,... Vì vậy, nuôi cá ruộng được xem là một giải pháp giúp người nông dân tăng thu nhập hiệu quả và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu trong điều kiện hiện nay.