largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Hành lang pháp lý cho việc chơi hụi

Hụi (họ, biêu, phường) là hình thức huy động vốn dựa trên tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau trong cuộc sống nên được pháp luật bảo vệ.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh tư vấn cho người dân vấn đề giải quyết tranh chấp trong chơi hụi. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh tư vấn cho người dân vấn đề giải quyết tranh chấp trong chơi hụi. Ảnh: Đoàn Phú

Để việc chơi hụi lành mạnh, pháp luật quy định chơi hụi phải khai báo, có văn bản thỏa thuận, lãi suất không vượt quá 20%/năm; hành vi lợi dụng việc chơi hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật bị cấm.

* Chơi hụi sao cho hợp pháp?

Chị Phạm Thị Hà (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) thắc mắc: “Tôi năm nay 30 tuổi, có thu nhập và việc làm ổn định. Vì muốn có thêm thu nhập từ khoản tiền tiết kiệm được của cá nhân nên tôi muốn tổ chức các dây hụi có được không. Nếu được thì phải tuân thủ các quy định nào?”.

Về nội dung này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (thuộc Hội Luật gia tỉnh) cho biết, độ tuổi của chị đủ điều kiện để lập dây hụi theo quy định tại Điều 6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19-2-2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là Nghị định 19). Theo đó, Nghị định 19 quy định, chủ hụi là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.

Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, để việc lập dây hụi, tổ chức chơi hụi hợp pháp, chị còn phải tuân thủ thêm các điều kiện: Thỏa thuận về lập dây hụi phải được thể hiện bằng văn bản; văn bản thỏa thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu. Khi tổ chức dây hụi, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi nếu tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi...

Ngoài ra, theo Nghị định 19, chủ hụi phải tuân thủ về lãi suất, nguyên tắc về việc tổ chức các dây hụi không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi; không được tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

* Điểm mới trong xử lý vi phạm quy định về hụi

Việc chơi hụi trong dân hiện nay khá phổ biến. Tuy nhiên, rủi ro phát sinh tranh chấp do bị giật hụi, chậm đóng tiền, vỡ hụi… là khó tránh khỏi, nhất là vào những dịp cuối năm. Vậy khi phát sinh tranh chấp về hụi thì các bên giải quyết vấn đề ra sao?

Luật sư Nguyễn Đình Hải (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, trường hợp có tranh chấp về hụi hoặc phát sinh từ hụi thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đình Hải, việc tổ chức hụi phải tuân thủ Nghị định 19 và các văn bản có liên quan. Một khi người tổ chức, tham gia hụi vi phạm pháp luật về hụi thì có thể bị xử phạt hành chính, hình sự, gây thiệt hại thì phải bồi thường dân sự. Tại Điều 16 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng chống bạo lực gia đình (gọi tắt là Nghị định 144, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) có nhiều quy định mới trong xử phạt hành vi vi phạm quy định về hụi.

Cụ thể, Nghị định 144 nêu rõ, phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi. Không thông báo đầy đủ về số lượng dây hụi, phần hụi, kỳ mở hụi hoặc số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi cho người muốn gia nhập dây hụi. Không lập biên bản thỏa thuận về dây hụi hoặc lập biên bản nhưng không có các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật. Không lập sổ hụi. Không giao các phần hụi cho thành viên lĩnh hụi tại mỗi kỳ mở hụi. Không cho các thành viên xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu. Không giao giấy biên nhận cho thành viên khi góp hụi, lãnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 144, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên. Không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng mà lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Tổ chức hụi để huy động vốn trái pháp luật.

Luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) đề xuất, để chủ hụi có khoản tiền chi trả, bồi thường cho hụi viên khi vỡ hụi, pháp luật nên có quy định chủ hụi phải có tài sản bảo đảm, ký quỹ tại tổ chức tín dụng, ngân hàng ít nhất 30% tổng số tiền trong từng dây hụi khi làm chủ các dây hụi có lãi. Vì hiện tại có người tổ chức dây hụi từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng.