largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Gỡ rối giá điện cho EVN: Chỉ chờ trời cứu

Cứ đến mùa hè là người dân lại hoang mang cao độ khi nhìn thấy những dãy chữ số nhảy múa trên hóa đơn tiền điện. Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), họ có sẵn một nơi để đổ lỗi, năm này qua năm khác, đó là do "ông Trời".

"Nếu cứ tiếp tục với mức giá như thế này, thậm chí EVN có thể bị phá sản. Cứ nợ như thế mà bán dưới giá thành, đến một lúc nào đó sẽ không thể chịu được" - người phát ngôn bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải từng chia sẻ với báo giới vào tháng 1/2019.

Nếu EVN phá sản - tức sẽ không cung cấp điện cho dân được nữa.

Nếu EVN phá sản - tức là dân sẽ không còn điện để sử dụng hàng ngày, vì hiện không có doanh nghiệp nào thay thế EVN để cung cấp cho dân dịch vụ thiết yếu này.Nhưng may thay, chỉ sau đó chưa đầy 2 tháng, giá điện đã được điều chỉnh tăng lên 8,36%, lần tăng thứ 10 trong vòng 10 năm trở lại đây (từ 2009-2019). Đồng nghĩa với việc, những lo ngại hay có thể nói là lời cảnh báo "phá sản" của vị Thứ trưởng đã không thành hiện thực.

1

Mà phá sản thế nào được, vì tập đoàn này đã dự tính sau khi tăng giá điện sẽ tăng thu thêm 20.000 tỷ đồng/năm, gỡ khó cho tình hình tài chính "ngàn cân treo sợi tóc" mà doanh nghiệp đang gặp phải.

Thực tế cho thấy, năm 2019, giá điện bình quân chỉ tăng "khiêm tốn" 8,36% thì tổng doanh thu của Tập đoàn này đã đạt mức 395.000 tỷ đồng - tăng 16,8% so với năm 2018. Nghĩa là nếu không tăng giá điện, có lẽ cũng chẳng có tình huống "phá sản" nào xảy ra.

May quá, cuối cùng người dân lại có điện để dùng, không phải lo thắp đèn dầu nếu như EVN bị phá sản. Vậy người dân phải vui mới đúng chứ?

Tại sao dân vẫn liên tục kêu ca, phàn nàn về hóa đơn điện hàng tháng, bất chấp những lời giải thích khá dài dòng, dẫn chứng thuyết phục về cách tính hóa đơn tiền điện theo công thức đã được phê duyệt, cam kết bộ đếm số công tơ luôn đạt chuẩn theo thông tư?

Mùa hè năm 2018, trong 4 tháng liền từ tháng 3 - tháng 6, hàng nghìn người dân gọi điện về đường dây nóng của EVN thắc mắc vì sao hóa đơn tiền điện tăng đột biến. Đại diện tập đoàn giải thích, do "bước vào giai đoạn nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ điện cho các thiết bị giải nhiệt, đặc biệt là máy lạnh tăng cao".

Mùa hè năm 2019, hóa đơn tiền điện của nửa triệu hộ dân tăng gấp đôi, EVN tiếp tục đưa ra lời giải thích là "theo quy luật thời tiết". Tác động kép của quyết định tăng giá điện "chớp thời cơ" ngay trong tháng 3/2019 cùng thời tiết nắng nóng, khiến nhiều người chưa hết "bốc hỏa" vì hóa đơn tiền điện lại "nổ đom đóm mắt" vì lời lý giải có cũng như không từ phía nhà đèn.

Năm 2020, đến hẹn lại lên, hóa đơn tiền điện lại nhảy múa như giá lợn ở cùng thời kỳ. Dân lại hoang mang chờ một kịch bản giải trình mới mẻ.

Nhưng không, câu trả lời của EVN, không cần nói cũng biết, vẫn là những lý do kiểu "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"…!!

Biết rồi, khổ lắm, EVN cứ nói mãi. Mấy năm nay năm nào thời tiết chẳng nóng? Ông trời là của chung không phải của riêng ai, Trời cũng không biết "cãi", thế nên đơn giản nhất là cứ đổ tội cho "ông trời". Trong khi cái dân cần, là được đối xử như một khách hàng sử dụng dịch vụ: Công khai, minh bạch và sòng phẳng.

Liên tục xuất hiện những câu hỏi không lời giải về cách tính giá điện theo bậc thang, như thế nào là hợp lý? Nhiều người nghi ngờ liệu EVN có dùng "thủ thuật" cố tình ghi tăng số điện vào những tháng cao điểm để tận dụng tính tiền hiện theo giá bậc cao?...

Sự bức xúc của người dân không nằm ở việc mỗi tháng phải trả thêm vài chục - vài trăm nghìn tiền điện, mà ở việc liệu họ có thể đang phải trả tiền cho những dịch vụ mà họ không dùng?

Nhưng EVN suốt nhiều nhiều năm qua vẫn chưa có cách nào chứng minh được mình "Công khai, minh bạch và sòng phẳng" trong cách tính giá điện.

Người dân vốn không thích độc quyền. Nếu EVN có đối thủ cạnh tranh, khách hàng hoàn toàn chấp nhận việc phải trả giá cao hơn nhưng với điều kiện được hưởng dịch vụ tốt hơn, được đối xử là khách hàng, là "đối tác".

Chứ không phải như cách EVN dùng một thông cáo báo chí giải thích cho câu hỏi của hàng triệu người, không phải cử nhân viên về xem lại công tơ điện và luôn khẳng định: "EVN đúng hoàn toàn theo quy định", "tất cả là do người dân dùng điện", hay khó chấp nhận hơn nữa là do… "thời tiết".

Với tình hình hiện tại, để kiềm tỏa nỗi bức xúc của người dân cứ đến hè lại tăng, nếu EVN không có động thái nào khả dĩ hơn, có lẽ chỉ còn cách chờ ông trời đừng nắng nóng vào mùa hè, hoặc là dân chán dùng điện chuyển sang… đèn dầu (!!)

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.