largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Gỡ "nút thắt" phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân bằng cách nào?

Đến nay cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội, với quy mô khoảng 147.000 căn hộ và đang tiếp tục triển khai 339 dự án với quy mô khoảng 371.500 căn hộ. Tuy nhiên, kết quả này còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của người dân.

Nhận diện “nút thắt”

Trong buổi toạ đàm “Gỡ nút thắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, diễn ra mới đây, giới chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế lớn nhất trong phát triển loại hình này, đó là khó khăn về nguồn vốn, thiếu quỹ đất và cơ chế khuyến khích chủ đầu tư…

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội trên cả nước cần hơn 290.000 căn

Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội trên cả nước cần hơn 290.000 căn

Cụ thể về nguồn vốn. Trên thực tế, sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại thực hiện trong giai đoạn 2013-2016 kết thúc, nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 còn rất hạn chế. Trong khi đó, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ được phân bổ 27% ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội, còn các ngân hàng thương mại lại không được phân bổ gói vốn này, dẫn đến công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân gặp nhiều trở ngại về dòng tiền.

Đối với quỹ đất. Theo ông Luyện Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội, dù đã có quy định 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại được dành để phát triển nhà ở xã hội, riêng tại Hà Nội, tỷ lệ này là 25%, song hầu như không đạt được yêu cầu.

Bên cạnh đó là cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp. Từ thực tế gần 10 năm tham gia vào đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ở TP. Hồ Chí Minh, ông Lễ Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lê Thành - chia sẻ: Nan giải khi mất 4 - 5 năm vẫn chưa xong thủ tục và vướng mắc nhiều khâu. Trong khi lợi nhuận định mức của nhà ở xã hội tối đa theo quy định là 10%, mức lợi nhuận này còn thấp hơn cả lãi suất gửi tiết kiệm.

Tháo gỡ bằng cách nào?

Chia sẻ của chuyên gia và doanh nghiệp cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp của hiệp hội bất động sản đều mong muốn được cùng tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, để loại hình này phát triển cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc lâu nay.

3 vấn đề doanh nghiệp và chuyên gia khuyến nghị cần phải tháo gỡ: Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở quốc gia mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ hai, các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển đô thị của địa phương phải có quỹ đất với địa điểm, diện tích để đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Thứ ba, rà soát và thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, để có quỹ đất cho đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Nghị định đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về quy mô dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, hướng dẫn chi tiết việc lựa chọn chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định nhằm rút ngắn thủ tục hành chính nhưng cũng đảm bảo sự chính xác, công bằng.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.

Trong đó, có giải pháp hỗ trợ tín dụng đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư theo hai gói hỗ trợ: Đối tượng khách hàng cá nhân thực hiện vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số vốn 15.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ thực hiện thông qua các Ngân hàng Chính sách xã hội với mức hỗ trợ lãi suất 2% cho các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.

Ông Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tin tưởng, cùng với chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự quyết tâm của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội, trong thời gian ngắn sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu cho công nhân nói riêng và đối tượng có thu nhập thấp nói chung.

Trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội trên cả nước ước tính cần hơn 290.000 căn, với tổng vốn đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng.