largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Giáo viên lập 'ATM điện thoại cũ' giúp học sinh có thiết bị học online

Năm học mới tại TP.HCM sẽ bắt đầu với hình thức học online, nhiều em gặp khó khăn về thiết bị. Các giáo viên đã xin tài trợ điện thoại, laptop cũ để giúp học trò.

Ngày 1/9, học sinh THCS, THPT của TP.HCM sẽ bắt đầu năm học mới bằng việc làm quen lớp, được hướng dẫn cách học online. Trong bối cảnh dịch bệnh, ngành giáo dục TP.HCM xác định có thể phải dạy, học online đến hết học kỳ I.

Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM), cho biết qua thống kê từ những lần học online trong năm học trước, khoảng 10-15% học sinh của trường gặp khó khăn khi học trực tuyến. Một trong số nhiều nguyên nhân đó là việc thiếu thiết bị học tập.

Khi họp bàn công tác chuẩn bị cho năm học mới, các giáo viên băn khoăn rất nhiều về vấn đề thiết bị cho học sinh khó khăn. Sau 3 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều gia đình khó mua được điện thoại hay máy tính để con học online, dù là đồ cũ.

"Các giáo viên Tin học của trường bàn rằng sao trường không làm 'ATM điện thoại cũ'. Chúng tôi tạo một đường link kêu gọi phụ huynh, giáo viên của trường nếu có điện thoại cũ, không dùng đến nữa, có thể cho nhà trường mượn để chuyển đến những học sinh khó khăn. Theo thống kê sơ bộ của trường, 100 học sinh cần được hỗ trợ thiết bị học tập", cô Thúy An nói.

Về phương án vận chuyển, trao điện thoại cũ đến tay học sinh, cô Thúy An cho biết sắp tới, giáo viên của trường sẽ đi tiêm vaccine mũi 2. Giáo viên ở nhiều khu vực khác nhau, sẽ liên hệ nhận điện thoại từ người ủng hộ rồi đem về tập trung lại.

Nhà trường dự định nhờ lực lượng quân đội và công an các phường đang làm công việc tiếp tế lương thực, chuyển điện thoại đến cho học sinh.

Giáo viên trường THCS Minh Đức dạy học online. Ảnh: NVCC.

Giáo viên trường THCS Minh Đức dạy học online. Ảnh: NVCC.

Ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận Bình Thạnh), đã gửi thư ngỏ đến thầy cô, phụ huynh, nhà hảo tâm, kêu gọi hỗ trợ máy tính đã qua sử dụng để sửa chữa lại, nhằm trang bị cho học sinh học trực tuyến.

Theo ông Hoàng, để tổ chức việc học trực tuyến thành công, trường chuẩn bị các phần mềm dạy học phù hợp. Thầy cô cũng chuẩn bị chu đáo nội dung giảng dạy. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của nhà trường, một số học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến do không có máy tính.

Trung tâm kêu gọi thầy cô, phụ huynh, nhà hảo tâm quan tâm, hỗ trợ máy tính cũ, vẫn còn khả năng sử dụng cho học sinh khó khăn tại trường. Trung tâm đã liên hệ được một công ty sẵn sàng sửa chữa, bảo trì máy tính cũ miễn phí, trước khi chuyển đến tay học sinh.

Ông Hoàng cho biết đa số học sinh của trung tâm có hoàn cảnh khó khăn. Về cơ bản, học sinh tại trường có thể tham gia học trực tuyến với số lượng trên 80%, chủ yếu học bằng điện thoại. Việc học trực tuyến bằng điện thoại thông minh sẽ không sử dụng hết ứng dụng học tập. Điện thoại của học sinh phổ thông thường là của cha mẹ, sẽ có nhiều bất tiện. Học trực tuyến thời gian dài nên vừa học lại vừa phải sạc pin. Điều này dễ gây ra nguy cơ cháy nổ, nguy hiểm cao.

"Nếu có máy tính, hết dịch, học sinh vẫn có thể triển khai học tập chứ không chỉ là dùng cho học trực tuyến. Qua thời gian siết chặt giãn cách xã hội tại TP.HCM, trung tâm sẽ đem những máy tính cũ được ủng hộ đi sửa chữa rồi gửi đến học sinh", ông Hoàng nói.