largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Gian nan gieo chữ trong đại dịch

Để “không học sinh nào bị bỏ lại phía sau” khi học online, giáo viên phải vất vả hơn rất nhiều lần. Nhưng với nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với học trò, họ đã nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn.

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đang hướng dẫn cho học sinh đọc bài. Ảnh: Hải Yến

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) đang hướng dẫn cho học sinh đọc bài. Ảnh: Hải Yến

Với nhiều giáo viên, dạy học trong thời dịch bệnh Covid-19 đã trở thành đợt sinh hoạt chuyên môn bổ ích, mang đến nhiều kinh nghiệm quý báu trong đời dạy học.

* Đến tận nhà học trò hướng dẫn học bài

Trường tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Xuân Thành, H.Xuân Lộc) có 2 phân hiệu với gần 500 học sinh. Phân hiệu B (ấp Tân Hưng) cách điểm trường chính 3km với 136 học sinh, trong đó có 96 học sinh dân tộc thiểu số, đa phần là học sinh người Chơro.

Điểm trường này có 24 học sinh lớp 1 thì có đến 19 học sinh là người dân tộc thiểu số. Năm học vừa qua, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều em 5 tuổi không đi học mẫu giáo. Vì vậy, khi bước vào lớp 1, các em vẫn còn chưa nói rành tiếng Việt. Khó khăn chồng chất khó khăn khi việc dạy và học phải tiến hành online. Chưa hết, nhiều học sinh không có thiết bị để học, giáo viên đành sử dụng phương thức giao phiếu bài tập về nhà. Nhưng đối với nhiều em, việc giao phiếu bài tập là hoàn toàn không hiệu quả, bởi phụ huynh không biết chữ nên không có cách nào phối hợp, hỗ trợ để cùng giáo viên dạy học cho trẻ.

Cô Nguyễn Thị Bích Hằng là giáo viên chủ nhiệm của lớp 1 nêu trên. Đã có kinh nghiệm dạy lớp 1 hơn 20 năm nhưng đây là năm học khó khăn nhất đối với cô Hằng. Khó khăn của bản thân có thể chủ động khắc phục, nhưng khó khăn đến từ học trò mới thực sự là thử thách lớn đối với cô.

“Nhiều em ngồi nhưng không học, không tập trung. Không gian học tập của trẻ cũng chưa đảm bảo. Có bé đang học thì bị em nhỏ chạy lại quấy phá; tiếng khóc của trẻ nhỏ, tiếng phụ huynh nói chuyện… cứ thế “lọt” vào lớp học vì học sinh không tắt mic… Việc dạy học lớp 1 năm nay rất áp lực vì khó tương tác với học sinh” - cô Hằng tâm sự.

Chừng đó vẫn chưa phải là tất cả khó khăn mà cô Hằng gặp phải. Lớp của cô có nhiều học sinh không có thiết bị để học online. Đối với những học sinh này, đích thân cô đi đến từng nhà học sinh để giao bài và tranh thủ hướng dẫn các em đọc bài, viết bài. Nhưng chỉ mấy ngày sau cô quay lại để kiểm tra thì “chữ cô lại trả cho cô”. Để các em theo kịp bạn bè, cô phải đến nhà học sinh dạy học thường xuyên hơn. Theo đó, buổi sáng cô dạy online, buổi chiều cô đến tận nhà những em này để hướng dẫn các em học bài.

Khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, được sự đồng ý của phụ huynh, cô xin phép nhà trường cho 8 học sinh thuộc diện khó tiếp thu, không có thiết bị đến trường để học trực tiếp. Hiện tại, buổi sáng cô dạy online, buổi chiều cô đến trường để dạy cho 8 em học sinh này.

“Các em đến trường phải thực hiện tốt quy định 5K, phụ huynh đưa đón đảm bảo an toàn. Nếu không trực tiếp dạy thì các em không có cách gì để theo kịp bạn bè” - cô Hằng kể.

Thầy Trịnh Xuân Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khuyến nhận xét: “Cô Hằng là giáo viên rất nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc. Bao năm qua, mặc dù giờ vào lớp là 7 giờ nhưng ngày nào cô cũng có mặt ở trường từ lúc 6 giờ 15 để tranh thủ ôn bài, dò bài cho học sinh. Đợt dạy học online này, cô rất vất vả. Ở cương vị quản lý, tôi rất trân trọng và khâm phục tấm lòng nhiệt huyết và nỗ lực của cô Hằng”.

* Đoàn kết, cùng “vượt lên chính mình”

Để soạn 1 bài giảng online đòi hỏi giáo viên phải tốn nhiều thời gian, công sức. Theo chia sẻ của các giáo viên, đối với người giỏi về công nghệ thông tin và có kỹ năng tốt thì việc soạn giảng (tìm tài liệu, soạn trình chiếu…) cho 1 tiết học từ 30-45 phút phải mất ít nhất 2 tiếng. Vì vậy, sau khi tổ chuyên môn thống nhất nội dung bài giảng, các thành viên trong tổ sẽ chia nhau để soạn giảng. Các bài soạn giảng này sẽ được cả tổ cùng nhau xem lại, tổ khối duyệt về mặt chuyên môn, hình thức sau đó mỗi giáo viên mới chỉnh sửa lại cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng lớp học.

Hơn 2 tháng dạy học online cũng là chừng ấy thời gian diễn ra chương trình dạy học trên truyền hình. Năm nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, chỉn chu, các tiết học trên truyền hình đã góp phần hỗ trợ, đỡ đần phần nào cho các giáo viên trong quá trình dạy online.

Cô La Ngọc Yến, giáo viên dạy khối lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) tham gia 6 tiết dạy học trên truyền hình. Ảnh: Hải Yến

Cô La Ngọc Yến, giáo viên dạy khối lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) tham gia 6 tiết dạy học trên truyền hình. Ảnh: Hải Yến

Cô La Ngọc Yến, giáo viên dạy khối lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (TP.Biên Hòa) đã tham gia dạy 6 tiết trên truyền hình nên đã có rất nhiều trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt, việc chuẩn bị để dạy học trên truyền hình đã giúp cô Yến tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm chuyên môn quý giá.

Để có 1 tiết dạy trên truyền hình thì không chỉ cá nhân giáo viên “đứng lớp” mà cần có sự tham gia đóng góp của một tập thể, với nhiều tiết dạy thử, dự giờ, góp ý, chỉnh sửa...

Theo đó, sau khi được phân công nội dung dạy học trên truyền hình, giáo viên tổ khối phải bàn bạc, soạn thảo ý tưởng, nội dung các hoạt động trong tiết học đó. Khi tổ khối hợp tác soạn giảng xong, giáo viên được phân công dạy trên truyền hình sẽ dạy thử. Sau tiết dạy này, cả khối sẽ góp ý những điểm chưa hợp lý, bổ sung những điểm cần thiết để chỉnh sửa. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường vào dự giờ, đóng góp ý kiến để tổ khối và cá nhân giáo viên trực tiếp dạy học tiếp tục chỉnh sửa. Qua được bước duyệt bài ở trường, giáo viên sẽ dạy thử để phòng GD-ĐT và phòng chuyên môn của Sở GD-ĐT dự giờ, góp ý. Cuối cùng, giáo viên tiếp tục chỉnh sửa lần cuối cho thật hoàn thiện rồi mới được thu hình.

“Tôi dạy thử rồi bấm giờ để xem có đảm bảo về thời gian không, tự thu âm và nghe lại xem có chỗ nào nói chưa tốt để khắc phục. Tôi đã luyện tập như vậy hơn một tuần cho buổi ghi hình đầu tiên. Vậy mà đến lúc quay hình, tôi vẫn hồi hộp nên đã làm không được tốt như khi luyện tập; phải đến những buổi sau thì thuận lợi hơn nhiều” - cô Yến cho hay.