largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Giám đốc bị “khủng bố” vì công nhân nợ tiền vay

Lãnh đạo một số doanh nghiệp liên tục nhận các cuộc gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa do công nhân nợ các khoản vay.

400 cuộc gọi mỗi ngày

Gửi đơn phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM, bà K.L. (quận 3, TPHCM) cho hay, bà đang rất lo lắng bởi các đối tượng cho vay liên tục gọi điện thoại đến lãnh đạo công ty nơi bà và con gái làm việc để đe dọa, khủng bố khi bà chưa kịp thanh toán khoản vay. Những người này còn cắt ảnh con gái bà L. ghép vào các ảnh khỏa thân, vu con bà ngoại tình rồi gửi cho các đồng nghiệp trong công ty. Do quá xấu hổ, con gái bà L. phải chuyển sang một công ty khác nhưng vẫn tiếp tục bị bôi nhọ với hình thức tương tự.

Bà L. kể, bà vay 36.925.000 đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam (MAFC), tính cả tiền đóng bảo hiểm khoản vay là khoảng 41 triệu đồng. Bà đã thanh toán hơn 24 triệu đồng. Do dịch bệnh, công ty đóng cửa nên bà L. bị mất thu nhập hoàn toàn. Bà L. nhiều lần gửi đơn xin chủ nợ khoanh nợ trong thời gian kiếm việc nhưng không được phản hồi.

Con gái bà L. và trưởng phòng nhân sự công ty nơi con gái bà L. đang làm việc đều bị các đối tượng đòi nợ bịa đặt thông tin tung lên mạng xã hội bôi nhọ danh dự (ảnh do bà K.L. cung cấp)

Con gái bà L. và trưởng phòng nhân sự công ty nơi con gái bà L. đang làm việc đều bị các đối tượng đòi nợ bịa đặt thông tin tung lên mạng xã hội bôi nhọ danh dự (ảnh do bà K.L. cung cấp)

Ngày 7/1/2022, bà nhận được tin nhắn từ MAFC thông báo, ngày 31/12/2021, khoản nợ của bà đã được bán cho Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính K.L (gọi tắt là Công ty K.L), tổng nợ mà bà phải thanh toán là 57 triệu đồng.

“Kể từ đó đến nay, tôi và con gái liên tục bị khủng bố tinh thần bằng đủ hình thức. Những người tự xưng là nhân viên công ty này còn ép tôi phải mang hộ khẩu cầm cố để trả nợ. Nợ là do tôi đứng tên vay với Công ty Mirae Asset nhưng khi công ty bán khoản nợ này cho Công ty K.L, tôi không hề biết. Ngày 28/3, tôi có thanh toán qua ứng dụng Mirae Asset thêm 2 triệu đồng nữa nhưng không rõ họ tính theo cách nào mà khoản nợ của tôi lên đến 57 triệu đồng. Nếu khoản nợ bị bán cho K.L, sao tôi vẫn phải thanh toán nợ mỗi tháng vào số tài khoản của Công ty Mirae Asset?” - bà L. trình bày.

Hình thức đòi nợ kiểu quấy rối, đe dọa những người vô can đang ngày càng phổ biến. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 - cho biết gần đây, mỗi ngày, ông nhận được gần 400 cuộc gọi yêu cầu phải giục nhân viên của mình trả nợ, đến mức ông thậm chí phải nghĩ đến việc bỏ số điện thoại đang dùng, trong khi đây là số di động mà ông dùng để liên lạc với nhiều đối tác.

Con gái bà K.L. bị những người đòi nợ ghép hình đưa lên mạng xã hội, vu khống cướp chồng người khác (ảnh do bà K.L. cung cấp)

Con gái bà K.L. bị những người đòi nợ ghép hình đưa lên mạng xã hội, vu khống cướp chồng người khác (ảnh do bà K.L. cung cấp)

Ông Thân Đức Việt cho hay, khi cần vay vài triệu đồng, một số công nhân trong công ty ông đã liên hệ với các tài khoản trên mạng xã hội Facebook và các ứng dụng vay tiền online, sau đó lãi mẹ đẻ lãi con nên công nhân không có khả năng trả nợ: “Lúc vay tiền, công nhân bị buộc khai số điện thoại nơi làm việc, số điện thoại của người quản lý hoặc bên cho vay lấy dữ liệu từ điện thoại của công nhân. Bên cho vay đã đe dọa công nhân, người thân của họ và nay quấy rối luôn lãnh đạo công ty nơi công nhân làm việc”.

Ông Trần Minh Tú - Giám đốc điều hành Nhà máy Sản xuất Kềm Nghĩa Sài Gòn - cũng cho biết ông cũng bị gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa, bị đưa hình ảnh lên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự chỉ vì một số công nhân trong nhà máy nợ tiền bên ngoài. Một số bạn bè của ông là chủ doanh nghiệp cũng bị tình trạng tương tự.

Ngày 21/7, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn đến Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), phản ánh việc một số cá nhân từ các tổ chức tín dụng quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ lãnh đạo nhiều doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, trong hai năm qua, dịch vụ cho vay tiêu dùng, cho vay qua ứng dụng (app) nở rộ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Sau khi vay tiền, vì nhiều lý do, công nhân chậm trả hoặc mất khả năng chi trả, các đơn vị cho vay đã đe dọa, quấy nhiễu, xúc phạm lãnh đạo các doanh nghiệp nơi công nhân làm việc.

“Các đối tượng còn lên mạng xã hội bôi nhọ công ty, cắt ghép hình ảnh lãnh đạo và lan truyền như đang truy tìm đối tượng lừa đảo, thậm chí tung tin lãnh đạo công ty đã chết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, làm xáo trộn cuộc sống và gia đình người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh” - VASEP viết.

Hành vi vi phạm pháp luật

Trả lời Báo Phụ Nữ TPHCM về phản ánh của bà K.L., đại diện MAFC cho biết, MAFC đã chuyển giao quyền đòi nợ khoản vay phát sinh từ các hợp đồng tín dụng của bà L. cho Công ty K.L kể từ ngày 31/12/2021 và đã thông báo cho bà L. Việc này không trái quy định của pháp luật và hợp đồng tín dụng đã ký kết.

Sở dĩ tài khoản nhận tiền thanh toán hằng tháng của bà L. vẫn là MAFC là do khách hàng đã quen thanh toán nợ qua tài khoản của MAFC; thêm nữa, trong hợp đồng mua bán nợ giữa MAFC và K.L có nêu rằng, khách hàng vẫn thanh toán vào tài khoản của MAFC.

“Số ngày trễ hạn thanh toán nợ của bà L. tính đến ngày bán nợ là 397 ngày, còn nợ cả gốc và lãi là 44.256.529 đồng, chưa bao gồm lãi phạt chậm trả. Theo hợp đồng tín dụng, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc hoặc lãi theo thỏa thuận thì ngoài việc trả lãi trên nợ gốc theo lãi suất đã thỏa thuận, khách hàng còn phải chịu tiền lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn và tiền lãi chậm trả. Tính đến tháng 7/2022, số ngày trễ hạn của bà L. là 577 ngày nên số tiền bà L. cần thanh toán là 57 triệu đồng” - đại diện MAFC nói.

Theo luật sư Trương Hồng Điền - Trưởng Văn phòng Luật sư Xuân Phú, đoàn viên Đoàn Luật sư TPHCM - quyền đòi nợ là một quyền tài sản, có thể đem ra để mua bán. Điều này đã được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Việc chuyển giao quyền đòi nợ không cần có sự đồng ý của người vay. Tuy nhiên, công ty bán nợ cần phải thông báo bằng văn bản cho khách vay được biết nội dung của việc bán nợ, thời gian chậm nhất là năm ngày kể từ ngày các bên ký kết hợp đồng mua bán nợ (cũng có thể thông báo bằng văn bản việc bán nợ cho người vay trước khi ký kết hợp đồng mua bán nợ).

Trường hợp người vay không được thông báo bằng văn bản về việc chuyển giao quyền đòi nợ và bên thứ ba không chứng minh được tính xác thực của việc chuyển giao quyền đòi nợ thì người vay có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ. “Trong trường hợp bà L., công ty tài chính bán nợ cho bên thứ ba để đòi nợ người vay mà bên vay không biết. Thực chất, đây là việc lách luật của hình thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đã bị đưa vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh kể từ khi Luật Đầu tư năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2021)” - luật sư Trương Hồng Điền phân tích.

Việc công ty mua nợ nhắn tin, gọi điện thoại kiểu “khủng bố” với người không có nghĩa vụ trả nợ là hành vi trái pháp luật. Theo đó, hành vi đòi nợ với người thân của người vay bằng cách gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống. Trường hợp gọi điện, nhắn tin ép buộc người thân của người vay trả một khoản nợ “khống” còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.

Bà L. cho biết, cuối tháng Sáu vừa qua, bà có đến Công an quận 11 - nơi đóng trụ sở của Công ty K.L - để trình báo việc bà và con gái bị nhân viên Công ty K.L đe dọa, bôi nhọ danh dự. Nhưng sau đó, bà L. và con gái vẫn liên tiếp bị gọi điện đe dọa. “Nhân viên công ty này còn nói rằng, cơ quan công an cũng không can thiệp gì được, họ sẽ bán khoản nợ của bà L. cho bên thứ tư và số tiền mà tôi phải trả sẽ còn tăng lên” - bà L. kể.

Khi bị đe dọa, khủng bố tinh thần, người thân của người vay tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân của mình như thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi cư trú, nơi làm việc và các thông tin khác cho các đối tượng đòi nợ. Khi bị gọi điện đe dọa, nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn với nội dung đe dọa và trình báo với cơ quan công an nơi mình cư trú để được xem xét, giải quyết.

Luật sư Trương Hồng Điền