largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Giảm chất thải nguy hại trong nông nghiệp

Để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường từ chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp, ngành chức năng và các địa phương đã đầu tư hơn 1,5 ngàn bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng và hợp đồng với các công ty có chức năng xử lý chất thải này.

Điều này vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, vừa góp phần cải thiện cảnh quan vùng nông thôn.

* Mô hình bể chứa chất thải nguy hại

H.Cẩm Mỹ là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh. Trước đây, tại các vùng sản xuất nông nghiệp, chai lọ, bao bì ny-lông đựng thuốc BVTV vương vãi khắp nơi gây hại cho môi trường và nguy hiểm cho người đi đường. Sau này, huyện đầu tư hơn 150 bể chứa bằng xi măng, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thu gom chất thải, đồng thời tạo ứng dụng quản lý các bể chứa trên bản đồ Google map, giúp tình trạng này giảm hẳn.

Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đông Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: B.MAI

Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đông Hòa (H.Trảng Bom). Ảnh: B.MAI

Phó trưởng phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ Nguyễn Thị Xuân Viên chia sẻ: Từ những năm 2017-2028, địa phương đã đầu tư hàng trăm bể chứa chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp. Mỗi điểm đặt bể chứa đều được đánh dấu trên bản đồ, trường hợp cống đầy, trưởng ấp sẽ báo lên Phòng TN-MT để tô màu đỏ vị trí đó, đơn vị thu gom nhìn vào bản đồ sẽ biết điểm nào cần phải đến lấy rác.

Số liệu thống kê từ Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1,5 ngàn bể chứa bao bì thuốc BTVT sau sử dụng. Trung bình mỗi năm, các địa phương thu gom gần 60 tấn bao bì thuốc BVTV đưa đi tiêu hủy.

“Nhờ ứng dụng này mà đơn vị thu gom rác không phải di chuyển nhiều, huyện cũng quản lý khối lượng phát sinh, khối lượng xử lý của từng bể. Năm 2022, huyện đã thu gom được khoảng 18 tấn chất thải nguy hại, chủ yếu bao bì thuốc BVTV sau sử dụng” - bà Viên thông tin.

Tại H.Xuân Lộc, UBND huyện phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Đồng Nai đầu tư hơn 40 bể chứa bao bì thuốc BVTV tại các trục đường chính vùng sản xuất nông nghiệp.

Bà Trần Quỳnh Trâm, Trưởng phòng TN-MT H.Xuân Lộc cho biết, địa phương đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành quy định về thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV. Nhờ vậy, khối lượng chất thải là bao bì thuốc BVTV thu gom được ngày càng tăng. Năm 2022, trung bình mỗi bể phát sinh 70-100kg/quý chất thải thuốc BVTV, toàn bộ chất thải này được Công ty TNHH Cù Lao Xanh thu gom, xử lý đúng quy trình.

Theo đánh giá của các địa phương, mặc dù vẫn còn tình trạng chôn đốt, bỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng ra môi trường, song nhờ có hệ thống bể chứa này mà mỗi năm hàng chục tấn chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đúng quy trình. Cũng thông qua việc đầu tư bể chứa và tổ chức tuyên truyền, ý thức của người nông dân với phân loại, thu gom bao bì thuốc BVTV ngày một cải thiện.

* Phát triển các mô hình sản xuất sạch

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, việc đầu tư bể chứa, tuyên truyền người dân thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng là một trong những giải pháp giảm phát sinh chất thải nguy hại ra môi trường, nhưng để giải quyết căn cơ vấn đề cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tuân thủ quy định về sử dụng thuốc BVTV an toàn; tổ chức tập huấn cho nông dân các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để giảm chi phí đầu tư, giảm chất thải nguy hại.

Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Tất Độ cho biết, thực hiện chương trình liên tịch với Sở TN-MT, Mặt trận các cấp đã thông qua hơn 300 mô hình Khu dân cư bảo vệ môi trường và Khu dân cư bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV đúng cách, không bỏ lẫn chất thải sinh hoạt vào bể chứa chất thải nguy hại, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ nhiệm Tổ hợp tác bưởi Ý Hồng (xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) cho biết, từ khi biết đến mô hình dùng men vi sinh vật bản địa IMO và MEVI kết hợp với phụ phế phẩm nông nghiệp để làm phân bón, thuốc BVTV sinh học, ông học theo và kết quả giảm được 50% chi phí đầu tư, cây sinh trưởng tốt, sức khỏe người làm vườn được đảm bảo.

“Tôi dùng nước men vi sinh kết hợp với vỏ thơm và một số nguyên liệu tự nhiên như: tỏi, ớt, gừng tạo thuốc trừ sâu; kết hợp với cá thải loại tạo phân bón cho cây bưởi lợi cả kinh tế lẫn môi trường. Mô hình này nhiều nông dân ở các huyện: Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Trảng Bom cũng đang áp dụng” - ông Hồng chia sẻ.

Sử dụng thuốc BVTV để diệt trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng là cần thiết, nhưng cần dùng đúng liều lượng khuyến cáo và thu gom bao bì sau sử dụng để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nông dân cũng có thể áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái để giảm phát sinh chất thải nguy hại và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng.