largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Giấc ngủ nhọc nhằn trên yên xe của cậu bé bị suy thận giai đoạn cuối

“Tôi vừa đèo con đi chạy thận vừa khóc. 4 giờ sáng, khi con người ta còn đang ngon giấc thì con mình lại gật gù sau lưng mẹ, chịu nỗi đau giày vò để đi tìm sự sống”, chị Hảo cố ngăn những dòng nước mắt đang lăn dài.

Tiếng ồn ã ở hành lang bệnh viện chẳng thể đánh thức cậu bé Lê Trần Tiến Cường (11 tuổi). Con đang gối đầu lên chân mẹ, mệt mỏi ngủ thiếp đi trong lúc chờ đến lượt vào phòng chạy thận nhân tạo. Khác với những bệnh nhi ở trọ gần bệnh viện hay cùng nhau nô đùa, Cường luôn “làm bạn” với chiếc ghế sắt lạnh lẽo. Hơn một năm nay, cậu bé gầy gò, đen sạm ấy phải thức dậy từ 4 giờ sáng để theo mẹ lên bệnh viện nên thiếu ngủ triền miên.

Tiến Cường thường tranh thủ ngủ trong lúc chờ đến lượt vào phòng chạy thận.

Tiến Cường thường tranh thủ ngủ trong lúc chờ đến lượt vào phòng chạy thận.

Bệnh tật lâu ngày khiến da con đen sạm, nhiều vết sẹo do kim truyền.

Bệnh tật lâu ngày khiến da con đen sạm, nhiều vết sẹo do kim truyền.

Chị Hảo bộc bạch, Cường mắc bệnh từ khoảng tháng 8 năm 2020. Ban đầu chỉ là triệu chứng đau bụng, đi khám ở địa phương, bác sĩ chẩn đoán con bị viêm dạ dày rồi viêm phổi nhưng uống thuốc không hết. Chị Hảo đưa con lên bệnh viện ở tỉnh Long An khám cũng không ra bệnh. Đến lúc con bị sốt cao, ho và ói ra máu, vợ chồng chị tá hỏa đưa con nhập viện ở bệnh viện huyện rồi chuyển lên tỉnh. Lúc này, cậu bé đã bị thiếu máu trầm trọng, phải thở oxy.

Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán con bị suy thận, rồi chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi đồng 1 để truyền máu, chạy thận cấp cứu. Những tưởng sau 3 tuần con được xuất viện về nhà là sức khỏe đã ổn định, không ngờ mới về được 3 ngày thì đứa trẻ khó ăn uống, cũng chẳng thể nằm mà phải ngồi ngủ.

Tháng 11 năm 2020, sau khi tái khám, do bệnh tình đã chuyển biến xấu hơn, Cường được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng 2 để chạy thận định kỳ.

“Những ngày đầu vợ chồng tôi khóc miết, con thấy vậy cũng khóc theo. Rồi chúng tôi động viên nhau ráng vững vàng vì con. Sau vài đợt chạy thận, dù vẫn gầy gò, yếu ớt, nhưng con đã ăn ngủ khá hơn trước, nên có mưa to gió lớn tôi cũng không dám cho con bỏ cữ chạy thận”, chị Hảo tâm sự.

Bữa cơm trưa nấu nhạt được chị Hảo dậy sớm chuẩn bị cho Cường.

Bữa cơm trưa nấu nhạt được chị Hảo dậy sớm chuẩn bị cho Cường.

Nhà ở ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, chạy xe máy lên bệnh viện cũng phải hết hơn 2 giờ đồng hồ. Nhưng để tiết kiệm chi phí ở trọ, chị Hảo quyết định nghỉ làm để đưa con lên bệnh viện 3 ngày/tuần.

Hôm nào đi chạy thận, Cường đều dậy từ 4 giờ sáng. Dù đêm trước đó con trằn trọc khó ngủ hoặc thức trắng cũng chẳng thể “nì nèo” thêm được, bởi quãng đường quá xa. Hai mẹ con đùm theo đồ ăn trưa rồi đi.

Người mẹ nghẹn giọng: “Tôi vừa đèo con đi chạy thận vừa khóc. Nghĩ đến con người ta còn đang ngon giấc thì con mình lại ngủ gật sau lưng mẹ, phải chịu đau đớn để đi tìm sự sống. Lúc nào nó cũng ước khỏi bệnh để về đi học, nhưng chẳng có hi vọng…”.

Thời điểm mới nhập viện để chạy thận, bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị cho con, trong đó tối ưu nhất là ghép thận, con sẽ có cơ hội sống như một người bình thường. Thế nhưng chi phí hàng trăm triệu đồng đối với vợ chồng chị Hảo chỉ có trong mơ. Họ đành phải cho con chạy thận để kéo dài sự sống và chờ cơ hội. Đáng tiếc, sau một năm rưỡi chạy vạy vay mượn, mắc nợ hơn 100 triệu đồng thì vợ chồng chị Hảo đã không thể lo tiếp chi phí cho con đi bệnh viện được nữa.

Trước đây, cả 2 vợ chồng chị đi làm công nhân, cuộc sống chắt bóp cũng dư dả được chút ít. Nhưng từ ngày con trai đổ bệnh, số tiền dành dụm ấy hết sạch. Sau đó, chị Hảo lại phải nghỉ việc để theo con. Một mình anh Lê Ngọc Monl tiếp tục đi làm.

Mùa dịch Covid-19, bị nợ lương dài ngày rồi thất nghiệp, anh đi làm mướn nhưng thu nhập bấp bênh, chẳng có tháng nào kiếm đủ 5 triệu đồng chi phí điều trị cho con. Vốn không có đất đai, vườn tược gì, giờ nợ nần cứ chất chồng thêm, anh chị đã không còn chỗ vay mượn.

Cường hay tâm sự với mẹ:

Cường hay tâm sự với mẹ: "Con ước khỏi bệnh để được đi học cùng các bạn"

Dù phải thức dậy sớm để chạy thận nhưng cậu bé chưa từng kêu than.

Dù phải thức dậy sớm để chạy thận nhưng cậu bé chưa từng kêu than.

Sau những ngày dài đưa Cường đi chạy thận về, nhìn con trai kiệt sức nằm thừ trên giường, bản thân chị Hảo cũng mệt mỏi. Nhưng đối với người làm cha mẹ, còn được nhìn thấy con là niềm hạnh phúc lớn lao và là động lực để họ vượt qua tất cả khổ đau. Chỉ mong lúc này, họ được thương, được tiếp sức để có đủ điều kiện cùng con chiến đấu với bệnh tật.