largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Gạo Việt Nam chinh phục thế giới nhờ chất lượng ổn định và có thương hiệu

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang cao hơn giá gạo nhiều nước, nhưng được nhiều thị trường ưa chuộng vì chất lượng gạo cao và luôn ổn định.

Gạo Việt Nam đang chinh phục thế giới bằng chất lượng

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng mạnh, cho thấy gạo Việt Nam đã dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Trao đổi với PV Lao Động, doanh nhân Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long - một trong những"cánh chim đầu đàn" về sản xuất lúa gạo chất lượng cao, nhấn mạnh: Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hàng năm, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Để làm được điều này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải không ngừng nỗ lực đầu tư công nghệ trong khâu chế biến, sản xuất lúa gạo để vượt qua những đối thủ đáng gờm trong thị trường lúa gạo để chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao nhờ chất lượng gạo vượt trội. Ảnh: TL

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao nhờ chất lượng gạo vượt trội. Ảnh: TL

"Để xuất khẩu được, doanh nghiệp chúng tôi đã vượt qua quy trình kiểm nghiệm tồn dư vô cùng khắt khe đối với hơn 300 loại hóa chất. Cụ thể là từ năm 2017, Tân Long trúng lô hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Lô hàng đầu tiên chúng tôi phải test đến 10 lần, thậm chí phải gửi mẫu sang Mỹ test và thực sự khi nào mình thấy hài lòng mới dám đem đấu thầu" - doanh nhân Nguyễn Chánh Trung chia sẻ.

Với những yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất nguyên liệu cũng như quy trình chế biến, ngay từ khi ký hợp đồng với nông dân, Tân Long đã đưa ra những điều khoản và khuyến cáo về 12 loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa chất cấm không được sử dụng để đảm bảo sản phẩm thực sự chất lượng.

Cánh đồng gạo chất lượng cao của doanh nghiệp Trung An. Ảnh: TB

Cánh đồng gạo chất lượng cao của doanh nghiệp Trung An. Ảnh: TB

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời cho biết, trong những năm qua đơn vị đã triển khai sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Ðây là bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, toàn bộ vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo của đơn vị với gần 12.000ha đều sản xuất theo tiêu chuẩn SRP.

Giá gạo Việt Nam trong nhiều năm gần đây luôn đạt giá trị cao và hiện đang cao hơn giá gạo Thái Lan bởi Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống, các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường "khó tính".

Điều không thể phủ nhận là chất lượng gạo Việt Nam được thế giới ưa chuộng nên ít khi có gạo tồn kho nên được nhiều nước lựa chọn nhập khẩu, dù giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước.

Dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 rất lạc quan

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vừa đưa ra dự báo thương mại gạo toàn cầu năm 2022 đạt 48,8 triệu tấn, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm trước. Từ nhu cầu lương thực của thế giới và năng lực cung ứng của Việt Nam, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và xung đột Nga - Ukraina đang căng thẳng, nhưng các thương nhân vẫn tin tưởng xuất khẩu gạo năm 2022 vẫn đạt khoảng 6,4 triệu tấn.

Để đáp ứng nhu cầu này, Bộ NNPTNT đã phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững. Ngành lúa gạo cũng hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt. Từ đó, hình thành và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng, giúp thích ứng với sự thay đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như nhu cầu được đáp ứng lúa gạo chất lượng cao của người tiêu dùng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh: Gạo Việt Nam đạt giá trị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đây là minh chứng việc thay đổi tư duy sản xuất, tập trung vào giống chất lượng cao, thơm, đặc sản để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính và hiện nay, cơ cấu giống lúa thơm, đặc sản đang chiếm hơn 85% diện tích.