largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

“Đừng hỏi con hôm nay được mấy điểm, hãy hỏi con đến trường có vui không"

 "Hãy lắng nghe lời tâm sự của con và đừng cho đó là những điều ngô nghê, đừng hỏi con hôm nay được mấy điểm, mà hỏi con hôm nay đến trường có vui không; đừng trách mắng con khi con thất bại; đừng bao giờ dùng lời lẽ cay nghiệt với con hay so sánh con với con nhà người ta".

Bài phát biểu tại Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em và kỷ niệm ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6/2023) của nữ sinh Nguyễn Dạ Thảo, học sinh lớp 9A trường THCS Quỳnh Phương (Hoàng Mai, Nghệ An) đang nhận được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội khi "trải lòng" nói ra những suy nghĩ, mong ước của nhiều trẻ em.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong bài phát biểu của mình, Nguyễn Dạ Thảo chia sẻ, so với các thế hệ cha/anh trước đây, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển cả thể chất và tinh thần. Tuy nhiên trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị lạm dụng. Trong thực tế tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận. Áp lực thành tích học tập trong nhà trường vẫn còn rất nặng nề, các không gian vui chơi dành cho trẻ em ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó những nguy cơ đối với trẻ em trên không gian mạng ngày càng nhiều, xảo quyệt và nguy hiểm.

“Vẫn còn những cha mẹ vì mải mê với miếng cơm, manh áo mà thiếu sự quan tâm đến con; còn đó những tai nạn, thương tích thương tâm với trẻ em, còn đó những lần bạo lực với trẻ em cả trong gia đình, ngoài xã hội và ở chốn học đường, còn đó những trẻ em vi phạm pháp luật, và thương tâm hơn là vẫn còn đó những vụ trẻ em tự vẫn vì những lý do khác nhau.

Nếu cho chúng cháu những điều ước thì đó là, đừng bao giờ để chúng cháu cô đơn, hãy nghe chúng cháu nói để hiểu chúng cháu hơn; hãy cho chúng cháu thêm không gian vui chơi; hãy giảm bớt áp lực thành tích học tập cho chúng cháu, thay vào đó là dạy cho chúng cháu những kỹ năng biết bảo vệ mình để không bị tổn hại; hãy dành cho chúng cháu nhiều lời yêu thương, khích lệ; hãy cho chúng cháu một môi trường xã hội, môi trường học đường và môi trường không gian mạng an toàn, lành mạnh”, Nguyễn Dạ Thảo chia sẻ.

Nữ sinh cũng nhắn nhủ đến các bậc phụ huynh hãy cho con những cái ôm sau một ngày trở về nhà, hãy lắng nghe lời tâm sự của con và đừng cho đó là những điều ngô nghê, đừng hỏi con hôm nay được mấy điểm, mà hỏi con hôm nay đến trường có vui không; đừng trách mắng con khi con thất bại; đừng bao giờ dung lời lẽ cay nghiệt với con hay so sánh con với con nhà người ta.

“Nếu con của mẹ là con cá, thì hãy để cá bơi trong nước, đừng bắt cá leo lên cây và ngược lại nếu con của mẹ là chim, thì hãy để chim bay trên bầu trời, đừng bắt chim bơi lặn trong nước. Nếu con có chị hay em trong nhà, mong bố/mẹ hãy đối xử công bằng, đừng để con có cảm giác là đứa con rơi, con thừa, nếu bố/mẹ muốn con trai, mà lại sinh ra con là gái, thì hãy mở lòng đón nhận con, sự hiếu thảo đâu phụ thuộc vào con trai hay con gái. Bố/mẹ ơi, những lời trách mắng cay nghiệt của bố/mẹ không làm con giảm bớt tình yêu thương và biết ơn bố/mẹ, nhưng sẽ làm con đau đớn và căm ghét chính bản thân mình. Bố/mẹ hãy cho con đến với môi trường thiên nhiên nhiên nhiều hơn thay vì nhốt con trong bốn bức tường với muôn vàn các loại bài tập; hãy cho con học thêm nhạc, họa, múa, hát, chơi thể thao thay vì chỉ chúi mặt vào toán, lý hóa. Bố/mẹ hãy cho con một tổ ấm với muôn vàn tình yêu thương”.

Theo Cục Trẻ em, tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt, có các biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và phòng trách tai nạn thương tích ở trẻ./.