largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Đức Trọng tạo động lực cho HTX phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã chú trọng hỗ trợ các HTX phát triển nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ vào sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị.

Từ đó, các HTX quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, phổ biến các kiến thức mới thay thế phương thức sản xuất truyền thống không hiệu quả, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng giá trị sản phẩm, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Đức Trọng hiện có 10ha sản xuất nông nghiệp thông minh, 1,5ha sản xuất theo hướng hữu cơ, 9.709ha ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, trồng thủy canh, công nghệ bón phân, phun thuốc bằng máy bay, điều khiển nhiệt độ từ xa). Trong đó, khu vực kinh tế HTX đóng vai trò tiên phong trong sản xuất gắn liền hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm sạch, điển hình như: HTX Nông nghiệp Tiến Huy, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú, HTX Hương sắc Đà Lạt...

Các HTX đóng vai trò tiên phong trong sản xuất gắn liền hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường tại huyện Đức Trọng (Ảnh: TL)

Các HTX đóng vai trò tiên phong trong sản xuất gắn liền hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường tại huyện Đức Trọng (Ảnh: TL)

Lan tỏa từ những mô hình điểm

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phú (xã Hiệp An) được thành lập vào năm 2004. Giám đốc Lê Văn Ba cho biết, trong giai đoạn đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn về vốn, sản lượng các loại nông sản thấp, không có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả lại bấp bênh. Nhằm đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên và hộ liên kết, HTX đã tiến hành củng cố lại bộ máy tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, sắp xếp nhân sự khoa học, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận sản xuất kinh doanh, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại vào sản xuất, thuê chuyên gia Israel tư vấn để cải tiến kỹ thuật sản xuất rau, củ, quả theo hướng công nghệ cao…

Từ đó, năng suất, chất lượng các mặt hàng rau, củ, quả của HTX sản xuất ra ngày càng được cải thiện, đa dạng các chủng loại, hình thành liên kết với các công ty, siêu thị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp cuộc sống xanh T&T để trở thành nhà cung cấp chiến lược. Việc liên kết góp phần tăng số lượng thành viên của HTX lên 17 thành viên và 2 đơn vị liên doanh, nâng diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao lên 37ha. Sản lượng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra thị trường, cụ thể là mặt hàng rau, củ, quả từ 1.000 tấn/năm tăng lên đến 5.000 tấn/năm, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng...

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, HTX luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở sản xuất và an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp bà con dân tộc thiểu số ở địa phương thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, tiếp cận với những kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

Cũng nằm trên địa bàn xã Hiệp An, HTX Nông nghiệp Tiến Huy là một trong những đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện Đức Trọng về sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Cụ thể, HTX liên kết với 26 hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ công đoạn đầu tiên (làm đất xuống giống) đến công đoạn cuối cùng (thu hoạch, đóng gói) với gần 48ha rau VietGAP, bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường 40 - 50 tấn rau.

Theo đó, HTX Tiến Huy ứng trước giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân, bao tiêu sản phẩm với mức giá xây dựng từ đầu mùa vụ. Người dân hợp tác với HTX Tiến Huy theo 2 phương thức là trồng trong nhà lưới hoặc nhà kính, với các loại nông sản như ớt ngọt, dưa leo bayby, bông cải xanh... Riêng 2 giống dưa leo baby và bông cải xanh baby được HTX Tiến Huy phân phối độc quyền từ Nhật Bản, nên cung ứng cho nông dân sản xuất thường chốt giá thu mua ổn định ngay từ lúc xuống giống.

Trung bình với 0,1ha đất, nông dân hợp tác với HTX Nông nghiệp Tiến Huy lãi trung bình 200 triệu đồng trồng dưa leo baby và 100 triệu đồng trồng bông cải xanh baby. Hàng ngày, HTX Nông nghiệp Tiến Huy bao tiêu hơn 1 tấn rau an toàn các loại với giá cạnh tranh so với giá thị trường.

Hay như HTX Nam Sơn (thị trấn Liên Nghĩa) do anh Nguyễn Văn Đoàn làm Giám đốc đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản như cà rốt, củ cải, khoai lang, hành tây, cà chua, cà tím và một số loại rau, củ, quả theo mùa khác.

Đến nay, HTX Nam Sơn đang tổ chức sản xuất trên diện tích 3.600ha, trải đều trên các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà. Trong đó, gia đình anh Đoàn có hơn 100ha, 6 thành viên còn lại có vài trăm ha, diện tích còn lại là của nông dân liên kết.

Đáng chú ý, trong số diện tích này có 50ha sản xuất rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi ngày thu hoạch 5 - 10 tấn, nhập vào các siêu thị khó tính nhất ở TP.HCM. Hiện, HTX có 2 cơ sở sơ chế sản phẩm ở Đức Trọng, trong đó anh Đoàn trực tiếp phụ trách sơ chế rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mảng sản xuất, kinh doanh dịch vụ sơ chế cà rốt, củ cải của HTX Nam Sơn đạt sản lượng 72.000 tấn/năm, doanh thu 360 tỷ đồng. Về phía nông dân liên kết, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân 1ha lãi khoảng 120 triệu đồng, gấp 3 lần so với trồng cà phê. Nhờ liên kết với HTX, hàng nghìn hộ nông dân ở các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà đã thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững, trong đó có hơn 100 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chính quyền và doanh nghiệp đồng hành cùng HTX

Theo UBND huyện Đức Trọng, dự kiến đến cuối tháng 12/2021, toàn huyện có khoảng 60 HTX gồm: 47 HTX nông nghiệp, 4 HTX tín dụng, 5 HTX thương mại, 2 HTX vận tải và 2 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tổng số thành viên tham gia các HTX là hơn 1.000 người, trong đó, có hơn 900 người là lao động thường xuyên.

Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào được các siêu thị khó tính nhất ở TP.HCM (Ảnh: Int)

Sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vào được các siêu thị khó tính nhất ở TP.HCM (Ảnh: Int)

Để phát triển kinh tế tập thể, HTX, những năm qua, huyện Đức Trọng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động. Hàng năm, UBND huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Du lịch, Sở Công thương Lâm Đồng và các ngành tổ chức tìm kiếm mở rộng thị trường tại TP.HCM; tổ chức chương trình hội thảo hợp tác kinh tế trong sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm. Đồng thời, hướng dẫn, tạo điều kiện để các HTX tham gia chương trình, dự án xúc tiến đầu tư, thương mại; kết nối các doanh nghiệp nhằm đưa hàng nông sản, thực phẩm đến người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.

Huyện Đức Trọng còn triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ các HTX, cụ thể như: Hỗ trợ 2 HTX 500 triệu đồng để ứng dụng khoa học, kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; cho 4 HTX vay vốn ưu đãi với tổng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng; hỗ trợ 7 HTX đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng; hỗ trợ 7 HTX với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng để đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm...

Ông Lê Nguyên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, liên kết trong sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp nông dân có đầu ra ổn định cho sản phẩm, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Toàn huyện hiện có 29.692 hộ sản xuất, trong đó có 6.196 hộ (kể cả trồng trọt và chăn nuôi) tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tăng 770 hộ so với năm 2020.

Trong tổng số các hộ tham gia liên kết có 1.946 hộ ký kết rõ ràng thông qua hợp đồng (liên kết với tổ hợp tác có 72 hộ, liên kết với HTX có 846 hộ, liên kết với doanh nghiệp có 1.456 hộ, liên kết với các đơn vị khác như cơ sở, thương lái... là 3.882 hộ. Đến nay đã hình thành khoảng 31 chuỗi liên kết cấp huyện. Qua tổ chức liên kết đã mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời quá trình liên kết giúp nhiều HTX củng cố hoạt động hiệu quả hơn, doanh nghiệp thu mua nông sản được ổn định, hạn chế được rủi ro giá cả thị trường biến động.

“Huyện Đức Trọng đã phê duyệt Đề án nâng cao tỷ lệ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, phát triển thêm 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nâng tổng số chuỗi vào năm 2025 là 54 chuỗi; hỗ trợ xây dựng hình thành mới và nâng cấp chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở các địa phương. Đồng thời, phối hợp, tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố có thị trường tiêu thụ lớn, với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn, cũng như tổ chức nhiều hội nghị triển lãm trưng bày để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của huyện. Tiếp tục lấy HTX, tổ hợp tác là nòng cốt trong vấn đề xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm; tăng tỷ lệ hộ được ký kết với hợp đồng rõ ràng”, ông Hoàng cho hay.