largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Dự án King Bay Nhơn Trạch và ẩn số trong nhiệm kỳ của Trần Bắc Hà

Chủ đầu tư dự án King Bay quy mô 125ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng tại Nhơn Trạch, Đồng Nai có sự góp mặt của Tổng công ty Khoáng sản Na Rì Hamico - vốn được xem là một "ẩn số" tại BIDV trong nhiệm kỳ của ông Trần Bắc Hà.

Trong 9 năm điều hành của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn tăng trưởng đều đặn song hiệu quả kinh doanh lại kém xa so với một số nhà băng cùng quy mô.

Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, năm 2016, BIDV ghi nhận kết quả kinh doanh èo uột, trong đó, lần đầu tiên khối nợ xấu của BIDV được lộ diện rõ ràng với dư nợ xấu tăng vọt 40% lên tới 14.429 tỷ đồng (chiếm 1,95% dư nợ), trong đó nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm tới 6.911 tỷ đồng. Đáng chú ý là trong số đó có những doanh nghiệp có khoản nợ nghìn tỷ chưa hẹn ngày thu hồi.

Khối nợ nghìn tỷ 'mắc cạn' tại BIDV

Dưới thời ông Trần Bắc Hà còn làm lãnh đạo, BIDV mắc khối nợ nghìn tỷ khó có khả năng thu hồi tại Tổng công ty Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS).

Cụ thể, tính đến ngày 31/3/2015, Khoáng sản Na Rì Hamico vay nợ tổng cộng 1.398 tỷ đồng, chiếm 75,34% nguồn vốn của công ty. Đáng chú ý, riêng khoản vay từ BIDV đã xấp xỉ 987 tỷ đồng (tương đương gần 1.000 tỷ đồng).

Được biết khoản vay ngắn hạn từ BIDV được sử dụng để chi trả tiền mua nguyên vật liệu, chi trả tiển lương, thiết bị, nhiên liệu và các hoạt động sản xuất khác… Lãi suất thả nổi theo từng thời điểm hợp đồng vay và dao động từ 10 - 15%.

Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico tiền thân là doanh nghiệp tư nhân Sơn Trang, sau đó được đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần xây dựng Sơn Trang vào ngày 12/01/2004 và chính thức đổi tên thành Tổng Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico vào ngày 16/10/2009. Ngày 04/01/2010, Khoáng sản Na Rì Hamico đã chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (mã chứng khoán là KSS).

Ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khoáng sản Na Rì Hamico đánh chiêng mở màn cho phiên giao dịch đầu tiên của mã cổ phiếu KSS trên sàn giao dịch HoSE.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Khoáng sản Na Rì Hamico đánh chiêng mở màn cho phiên giao dịch đầu tiên của mã cổ phiếu KSS trên sàn giao dịch HoSE.

Trước đây, tỉnh Bắc Kạn đã chọn KSS để cấp phép thăm dò Mỏ vàng Pác Lạng theo Thông báo số 95/TB-UBND ngày 06/8/2014. Sau đó, KSS bị nghi ngờ không hoàn thành nghĩa vụ thuế; năng lực tài chính kém.

Năm 2015, thông tin lãnh đạo Khoáng sản Na Rì Hamico bị khởi tố để thực hiện điều tra khiến giá cổ phiếu KSS liên tục giảm và các cổ đông của công ty này không khỏi lo lắng. Nỗi lo này có lẽ không chỉ của riêng các cổ đông mà còn của chủ nợ đang cho công ty này vay mượn với tổng trị giá khoản vay hơn nghìn tỷ đồng.

Soát lại BCTC của năm 2016 và đầu năm 2017 của KSS thấy thông tin rất sơ sài, không hề thể hiện những khoản vay trên bản thuyết minh.

Tháng 8/2016, KSS bị huỷ niêm yết do “công ty kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính kết thúc năm 2015 của KSS”.

Sau khi bị hủy niêm yết, thông tin về tài chính của KSS gần như không được công bố. Cũng theo đó, khoản nợ tại BIDV của doanh nghiệp này cùng với hàng loạt ngân hàng khác chưa biết đã trả được bao nhiêu? Tuy nhiên, khi lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt, tiềm lực về tài chính không có thì có thể dự đoán rằng, khả năng trả nợ của KSS gần như là không còn.

Khoáng sản Na Rì Hamico vẫn được đánh giá là một "ẩn số" với khoản vay gần 1.000 tỷ đồng tại BIDV trong nhiệm kỳ 9 năm (2008 – 2016) của ông Trần Bắc Hà.

Hai vụ án dính tới BIDV

Ngày 9/6/2015, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Dĩnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Khoáng Sản Na Rì Hamico về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức". Trước đó, 2 cán bộ của công ty này cũng bị bắt cùng tội danh.

Là chủ mưu trong vụ làm giả 71 hồ sơ giải ngân để vay cả ngàn tỷ đồng của ngân hàng BIDV, Nguyễn Văn Dĩnh bị TAND tỉnh Bắc Kạn xử phạt với mức án 10 tháng 24 ngày tù về tội 'Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức' và bị phạt tiền về tội 'Trốn thuế', tội 'Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước'.

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao và bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Kạn, từ tháng 6/2009 đến tháng 4/2014, Nguyễn Văn Dĩnh đã tổ chức, chỉ đạo 4 nhân viên kế toán cùng 15 Giám đốc công ty (chủ yếu được Dĩnh thuê làm giám đốc để ký hợp thức hồ sơ, giấy tờ) làm giả hồ sơ giải ngân. Sau đó, Dĩnh đã sử dụng các giấy tờ trên để làm thủ tục giải ngân tại 75 hồ sơ giải ngân vay tiền trong 71 Hợp đồng tín dụng. Tính đến tháng 12/2017, Công ty Na Rì Hamico của Dĩnh còn dư nợ gốc tại Ngân hàng Ngân hàng BIDV, Chinh nhánh Bắc Kạn (BIDV Bắc Kạn) hơn 986 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa hồ sơ xin cấp giới hạn tín dụng tại BIDV Bắc Kạn, từ năm 2009 đến 2010, Dĩnh đã mua và kê khai thuế đầu vào bằng 273 hóa đơn GTGT, trong đó có 103 hóa đơn giả (với giá trị ghi trên hóa đơn hơn 80 tỷ).

Trong khi đang là bị cáo trong vụ án xảy ra tại BIDV Bắc Kạn thì Nguyễn Văn Dĩnh (được tại ngoại từ tháng 4/2016) lại trở thành bị can trong một vụ án khác, xảy ra tại Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất khẩu Khoáng sản Miền Trung (MTM).

Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản Miền Trung được thành lập vào ngày 07/09/2007 với mức vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Cổ phiếu của công ty chính thức niêm yết trên sàn Hà Nội từ 15/4/2016 với mã chứng khoán MTM. Tuy nhiên, MTM bị ngừng giao dịch từ 20/6/2016 khi cổ phiếu này về mức giá 2.600 đồng/cp.

Theo cáo trạng, năm 2010, Nguyễn Văn Dĩnh mua lại hồ sơ pháp lý của Công ty MTM. Doanh nghiệp này không hoạt động, không có vốn nhưng các đối tượng làm giả hồ sơ thể hiện năm 2014, MTM có 103 cổ đông sở hữu 31 triệu cổ phần (tương đương 310 tỷ đồng); làm giả chứng từ tăng vốn thực góp lên 310 tỷ đồng…

Để làm giả được hồ sơ nói trên, Dĩnh và đồng phạm đã móc nối với các cán bộ ngân hàng liên quan.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015, các cán bộ Ngân hàng BIDV nêu trên đã làm giả 143 chứng từ ủy nhiệm chi/nộp - rút tiền với tổng số 355 tỷ đồng cho MTM.

Cũng với thủ đoạn tương tự, TienPhongBank Chi nhánh Tây Hà Nội cũng giúp cho các bị cáo mở tài khoản, làm giả 7 chứng từ với tổng số 130 tỷ đồng.

Có được hồ sơ doanh nghiệp khống và theo chỉ đạo của Dĩnh, đồng phạm của bị cáo này tiếp tục móc nối với cán bộ ngân hàng TienPhongBank Tây Hà Nội và BIDV Nam Hà Nội để hợp thức chứng từ nộp, rút 485 tỷ đồng, thể hiện việc góp vốn của các cổ đông và doanh số kinh doanh của Công ty MTM.

Trong lúc Dĩnh chỉ đạo đăng ký niêm yết cổ phiếu MTM, ngày 29/5/2015, đối tượng này bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; trốn thuế và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ở một vụ án khác.

Ngay sau đó, Công ty MTM rút hồ sơ đăng ký niêm yết trên sàn giao giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, tháng 6/2015, các đồng phạm lại thỏa thuận với Vũ Thị Hoa (vợ Dĩnh) để nhận hồ sơ pháp lý của Công ty MTM và tiếp tục làm thủ tục đăng ký giao dịch chứng khoán.

Hoa biết rõ MTM không có vốn, cũng không hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đồng ý bàn giao hồ sơ với thỏa thuận: nếu cổ phiếu MTM được giao dịch trên thị trường chứng khoán, mỗi bên sẽ sở hữu 50% trong số 31 triệu cổ phiếu, tương đương 155 tỷ đồng vốn thực góp.

Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện (tháng 6/2016) đang có 1.156 người đứng tên sở hữu cổ phiếu “ảo” của doanh nghiệp này. Trong đó, 822 nhà đầu tư đã có đơn đề nghị làm rõ thiệt hại.

Với thủ đoạn tinh vi nêu trên, Dĩnh cùng các đồng phạm đã thực hiện các hành vi gian dối lừa đảo, thao túng cổ phiếu MTM, gây thiệt hại hơn 56 tỷ đồng, trong đó lừa đảo chiếm đoạt hơn 53 tỷ đồng của các nhà đầu tư cổ phiếu MTM.

Ẩn số dự án 125ha tại Nhơn Trạch

Tháng 12/2014, Khoáng sản Na Rì Hamico đã công bố thông tin họp HĐQT bàn về việc thành lập Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân và giải thể chi nhánh của tại TP.HCM.

Số vốn góp ban đầu của Khoáng sản Na Rì Hamico vào Ngũ Long Tân là 13,5 tỷ đồng, tương ứng 13,5% vốn điều lệ của Ngũ Long Tân. Mục đích thành lập công ty là nhằm thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch kết hợp khu dân cư Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Công ty Cổ phần Ngũ Long Tân từng liên kết với Tổng công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (CIPM Cửu Long) thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm dự án đường Vành đai 3 TP.HCM và dự án King Bay 125ha. CIPM Cửu Long nắm giữ 10% cổ phần Ngũ Long Tân.

Phối cảnh dự án King Bay tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Phối cảnh dự án King Bay tại Nhơn Trạch, Đồng Nai.

Công ty Cổ phần Ngũ Long sau đó đã đổi tên thành Công ty Cổ phần Free Land.

Ngày 6/9/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 3179/QĐ-UBND về việc giao đất và cho Công ty Cổ phần Free Land thuê đất (đợt 1) tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch để sử dụng vào mục đích đầu tư Khu dân cư theo quy hoạch.

Cụ thể, giao 140.665,9 m2 đất tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (được UBND huyện Nhơn Trạch thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và xác nhận hoàn thành công tác bồi thường) cho Công ty Cổ phần Free Land sử dụng.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho Công ty Cổ phần Free Land thuê diện tích 2.966,1 m2 tại xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch (được UBND huyện Nhơn Trạch thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân và xác nhận hoàn thành công tác bồi thường) để sử dụng vào mục đích đất giáo dục. Hình thức sử dụng là Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh ký quyết định cho thuê đất.