largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Đột quỵ ở trẻ em, ít gặp nhưng nguy hiểm khó lường

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn tật nếu không được phát hiện kịp thời. Đột quỵ ở trẻ em dù ít nhưng vẫn xảy ra. Đáng lưu ý, có xấp xỉ 40 - 50% trường hợp nhồi máu não trẻ em không tìm thấy nguyên nhân.

Bệnh diễn tiến nhanh

Đầu tháng 8/2022, trong lúc bé P.H.A. (một tuổi, ở TP. Cần Thơ) đang chơi đùa thì bé bị co giật đột ngột tay, chân bên trái khoảng một phút. Sau đó bé A. tỉnh táo trở lại. Vài tiếng sau, bé tiếp tục bị co giật lại. Người mẹ đưa con đến bệnh viện địa phương khám bệnh. Sau thăm khám, bệnh viện quyết định chuyển bé A. đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) để tìm nguyên nhân.

Qua theo dõi, các bác sĩ ghi nhận bé A. co giật thêm vài lần và yếu nhẹ tay, chân bên trái nên chỉ định chụp CT Scanner đầu cho bé. Kết quả cho thấy bé có bất thường ở bán cầu não bên phải. Sau đó, bệnh nhi đã được thực hiện các khảo sát tìm nguyên nhân, phát hiện bé bị nhồi máu não bán cầu não phải và có hình ảnh hẹp mạch máu não liên với vùng nhồi máu não trên khảo sát cộng hưởng từ.

Bác sĩ cho biết đây là tình trạng nhồi máu não ở trẻ nhũ nhi, có thể liên quan bất thường bẩm sinh mạch máu não. Bé A. được chuyển đến Khoa Thần kinh và Khoa Ngoại thần kinh để tìm phương pháp điều trị tốt nhất.

Bệnh nhi đột quỵ đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Bệnh nhi đột quỵ đang được theo dõi tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TPHCM) - Ảnh: Phạm An

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lê Trung Hiếu - giảng viên bộ môn thần kinh Trường đại học Y Dược TPHCM, Trưởng khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Dù ít gặp ở trẻ em và trẻ dưới 18 tuổi nhưng vẫn có khoảng 3 - 25/100.000 ca.

Đột quỵ ở trẻ em có hai nhóm chính là nhồi máu não và xuất huyết não. Trong đó, 80% nhồi máu não ở trẻ em có liên quan đến động mạch não. Đáng lưu ý là xấp xỉ 40 -50% nhồi máu não trẻ em không tìm thấy nguyên nhân, bệnh diễn tiến nhanh, kéo dài hơn 24 tiếng đồng hồ.

Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ. Chính vì vậy, đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn tật nếu người bệnh không được phát hiện kịp thời.

Theo bác sĩ Hiếu, hiện nay chưa có khuyến cáo điều trị chuẩn cho nhồi máu não trẻ em. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, căn nguyên gây bệnh bác sĩ sẽ quyết định điều trị nội khoa, dùng thuốc để dự phòng tái phát hoặc can thiệp mạch máu não.

Vì vậy, khi trẻ vào khám có dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu não sẽ được theo dõi tại khoa cấp cứu sau đó là khoa thần kinh. Trẻ được làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán và lập kế hoạch theo dõi và điều trị.

Dễ nhầm lẫn với bệnh khác

Do đột quỵ ít xảy ra ở trẻ nhỏ nên hiện nay nhiều gia đình chưa thực sự phát hiện hoặc nghĩ đến bệnh này ở trẻ. Đột quỵ ở người lớn có các dấu hiệu ban đầu điển hình dễ nhận biết như miệng méo, nói ngọng, yếu liệt chân tay…

Trong khi ở trẻ em dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác vì biểu hiện không rõ ràng. Như khi trẻ mệt mỏi, có sốt kèm theo sẽ có thể nhầm lẫn với viêm màng não. Trẻ nhức đầu, mất ý thức tạm thời, lên cơn co giật dễ bị nhầm với bệnh động kinh. Thậm chí, trẻ nôn ói nhiều dễ dẫn đến nhầm với bệnh về đường tiêu hóa…

Có trường hợp, khi trẻ bị nhức đầu, co giật, người nhà tưởng trẻ bị trúng gió, động kinh… rồi tự sơ cứu ở nhà. Nguy hiểm hơn, chính vì nghĩ trẻ mắc bệnh thông thường nên người lớn tự sơ cứu cho trẻ bằng cách cạo gió, vắt chanh, châm kim ở đầu ngón tay thay vì đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Cần hợp tác với cơ sở y tế trong việc tìm nguyên nhân, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu, theo dõi diễn tiến và phòng ngừa tái phát.

Thời gian vàng từ khi khởi phát đột quỵ đến lúc can thiệp chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ. Nếu trẻ được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp lúc, tỷ lệ sống sót và phục hồi cao. Nếu trì hoãn, lượng máu cung cấp cho tế bào não giảm, để quá lâu nguy cơ chết não càng cao, ảnh hưởng lớn đến vận động, chất lượng sống sau này. Thậm chí trẻ có thể tử vong.

Vì vậy, khi người lớn thấy trẻ có biểu hiện bất thường, không nên tự ý điều trị bởi càng kéo dài thời gian, trẻ càng rơi vào nguy hiểm. Lúc này, cha mẹ không cho trẻ ăn uống bất kỳ đồ ăn, thức uống nào để tránh trẻ nôn trớ, trào ngược, thức ăn có thể gây tắc nghẽn đường thở sẽ rất nguy hiểm. Quan trọng, không tự ý cho trẻ uống bất kỳ thuốc gì mà phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện gần nhất để được bác sĩ thăm khám và cứu chữa đúng cách, kịp thời.

Bác sĩ Hiếu cho biết: “Trẻ nhập viện và được can thiệp càng sớm, nguy cơ để lại di chứng càng thấp và thời gian hồi phục vận động cũng như ý thức, tri giác… nhanh hơn. Nếu không, trẻ có thể đối mặt với các di chứng nặng nề như liệt nửa người, mất khả năng nói, khả năng nhận thức, ghi nhớ kém, yếu liệt tay, chân… sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển, chất lượng sống và tương lai của trẻ”.