largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Đối mặt với khủng hoảng thừa trái cây tươi

Thời gian qua, trái cây ở các tỉnh, thành phía Nam rơi vào cảnh ùn ứ, giá giảm sâu. Cơn khủng hoảng thừa này đang lan rộng và ngày càng nghiêm trọng khi các địa phương này đang đồng loạt vào vụ thu hoạch trái cây lớn nhất trong năm.

Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp khẩn trực tuyến về thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành Nam bộ.Nghịch lý là trái cây đang gặp khủng hoảng thừa nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại không đủ nguồn hàng đạt chuẩn để cung cấp cho những thị trường khó tính.

* Trái cây trong nước đổ bỏ

Hiện hàng loạt các loại trái cây có sản lượng lớn, xuất khẩu tốt như: xoài, mít, thanh long, chuối… đều rơi vào cảnh rớt giá, ùn ứ vì khó tiêu thụ. Theo số liệu thống kê của nhiều tỉnh, sản lượng trái cây chờ tiêu thụ còn rất lớn. Tỉnh Tiền Giang hiện có sản lượng trái cây lớn nhất nước với 992 ngàn tấn, đạt khoảng 60% sản lượng cả nước. Chỉ riêng trái mít, tỉnh Hậu Giang hiện còn khoảng 90 ngàn tấn khó tiêu thụ.

Thu hoạch xoài tại xã La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Thu hoạch xoài tại xã La Ngà, H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Ngay cả những mặt hàng trái cây chưa vào cao điểm thu hoạch, sản lượng ít, giá cả cũng nhanh chóng hạ nhiệt. Cụ thể, giá sầu riêng vài tuần trước đang bán ra ở mức 80-90 ngàn đồng/kg thì nay chỉ còn 40 ngàn đồng/kg; giá chôm chôm bán ra hơn 30 ngàn đồng/kg thì nay hạ nhiệt dưới 20 ngàn đồng/kg…

Đồng Nai với tổng diện tích cây ăn trái đạt hơn 73,4 ngàn ha. Trong đó, các loại cây chủ lực đang vào mùa thu hoạch gồm: chuối với diện tích gần 13,2 ngàn ha, chôm chôm với diện tích gần 9,2 ngàn ha, mít hơn 9 ngàn ha, sầu riêng gần 7 ngàn ha…

Phó giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN VĂN THẮNG cho biết, hiện trái cây có sản lượng lớn nhất của Đồng Nai đang gặp khó khăn về đầu ra là chuối già xuất khẩu. Khó khăn lớn nhất hiện nay là xuất khẩu đường bộ bị đình đốn, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu bằng đường biển, chi phí vận chuyển hiện nay từ 140-180 triệu đồng/container, cao gấp 3 lần so với đường bộ nên giá chuối thu mua của dân giảm mạnh.

Hiện giá nhiều loại trái cây xuất khẩu đều giảm sâu dưới giá thành sản xuất như: xoài Đài Loan còn 1 ngàn đồng/kg, mít lá bàng 1 ngàn đồng/kg, thanh long ruột đỏ 4 ngàn đồng/kg… Tuy đã cuối vụ thu hoạch nhưng do diện tích xoài trên địa bàn Đồng Nai lớn, gần 12 ngàn ha, nên từ nay đến cuối tháng 5, các địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ hơn 32 ngàn tấn xoài các loại, chủ yếu là xoài Đài Loan xuất khẩu. Theo đó, giá xoài này bán tại vườn chỉ được từ 1-2 ngàn đồng/kg.

Ông Lê Kim Long, thương lái thu mua trái cây tại xã La Ngà (H.Định Quán) cho biết, 2 vụ xoài liên tiếp vừa qua, trái xoài đều rơi vào cảnh rớt giá và hiện giá xoài Đài Loan xuất khẩu đang đứng ở mức thấp kỷ lục chỉ còn từ 1-2 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân xuất khẩu xoài qua cửa khẩu Trung Quốc rất khó khăn do các cửa khẩu thường xuyên đóng cửa; trước đây đạt 10 phần thì nay chỉ còn 1 phần, chi phí vận chuyển cũng đội hơn rất nhiều. Do giá thấp hơn rất nhiều lần so với giá thành sản xuất, nông dân không mặn mà đầu tư nên tỷ lệ xoài dạt bị loại bỏ chiếm tỷ lệ rất lớn. Mọi năm, mặt hàng dạt này còn bán được ở thị trường nội địa nhưng với tình hình ùn ứ, quá tải như năm nay đều đổ bỏ.

Ông Trần Văn Luân, nông dân trồng chuối tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) xót xa, nông dân không chỉ thiệt thòi vì giá chuối thấp dưới giá thành sản phẩm mà tỷ lệ chuối không đạt bị loại bỏ rất lớn. Loại hàng dạt này nhà vườn đành đổ bỏ hoặc cho người dân đem về làm thức ăn cho dê, bò. Giá chuối xuất khẩu hiện bán tại vườn chỉ có 5 ngàn đồng/kg, giảm 7 ngàn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, nhà vườn nào thuê đất trồng chuối bị lỗ nặng vì giá chuối thấp, trong khi chi phí đầu tư phân, thuốc đội lên cao so với trước.

* Thiếu trái cây đạt chuẩn xuất khẩu

Theo phản ảnh của nông dân, năm nay sự thất thường về thời tiết, chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá trái cây đồng loạt giảm sâu khiến nông dân không mặn mà đầu tư. Nhiều loại trái cây xuất khẩu như: xoài, thanh long… mất mùa, mẫu mã, chất lượng cũng không bằng mọi năm.

Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Đồ họa thể hiện tổng diện tích các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh hiện nay. Nguồn: Sở NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)

Ông Đoàn Minh Ngọc, chủ cơ sở thu mua thanh long xuất khẩu tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) cho biết, do giá bán quá thấp, trước đó nhiều nhà vườn không đầu tư thắp đèn làm thanh long nghịch vụ cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Hiện nay đang là chính vụ thanh long nhưng do thời tiết thất thường, dịch bệnh xuất hiện trên cây trồng nhiều nên tỷ lệ thanh long đạt chuẩn xuất khẩu rất thấp.

Hạn chế lớn nhất là chất lượng và sản lượng trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu khó tính. Ngay cả thị trường vốn dễ tính như Trung Quốc cũng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu, kiểm dịch với trái cây và nhiều mặt hàng nông sản khác. Trong đó, các tiêu chuẩn về kiểm soát an toàn thực phẩm, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa... gắt gao hơn nên việc xuất khẩu trái cây sang thị trường này không còn thuận lợi như trước.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm tra về đóng gói đến chất lượng, rất nhiều lô hàng xuất khẩu rau, trái cây của Việt Nam không đạt kiểm dịch, đặc biệt là về chỉ tiêu sinh vật có hại trong trái cây nên bị trả về. Để không rơi vào tình cảnh bị động trước những quy định mới từ phía Trung Quốc, nông sản Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu như: có mã số vùng trồng, vùng nuôi, kiểm dịch động vật - thực vật, quy trình canh tác, bao bì, đóng gói đều phải theo quy chuẩn...

Ông Thế Lãm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại Toàn Cầu (TP.HCM) chỉ ra hạn chế lớn nhất là cả chất lượng và sản lượng trái cây của Việt Nam đều chưa đạt yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Do sản xuất nhỏ lẻ, mỗi nhà vườn làm một kiểu nên khi kiểm tra chất lượng, trái cây thiếu sự đồng nhất về màu sắc, kích cỡ cho đến độ ngọt và các chỉ tiêu khác về chất lượng… Doanh nghiệp xuất khẩu yêu cầu nguồn cung ổn định nhưng nông dân còn sản xuất vẫn chạy theo phong trào nên ngay cả với trái cây làm nghịch vụ như xoài, thanh long vẫn diễn ra tình trạng khi thì thu hoạch ồ ạt với sản lượng lớn, lúc lại không có hàng.