Địa đạo Củ Chi - Huyền thoại vùng "đất thép”
Với tổng chiều dài hàng trăm kilomet, chia thành 3 tầng sâu khác nhau, hệ thống địa đạo Củ Chi thu trọn toàn bộ đời sống chiến đấu của quân dân bám trụ trên đất thép.
250 km địa đạo ấp liền ấp, xã liền xã, thể hiện sự kì công trong kỹ thuật xây dựng, mức độ huy động sức người sức của và quan trọng nhất là thể hiện tầm nhìn, bản lĩnh, trí tuệ của chiến thuật chiến tranh nhân dân mà những đế quốc hùng mạnh nhất về quân sự trên thế giới ko thể ngờ tới.
Chỉ bằng phương tiện, dụng cụ hết sức thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất bằng tre, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình đồ sộ dọc ngang trong lòng đất.

Mô hình địa đạo tại Khu di tích địa đạo Củ Chi
Địa đạo ra đời mang một ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong hoạt động chiến đấu, công tác đối với cán bộ, chiến sỹ và đồng bào vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Chị Nguyễn Thị Lê - Người dân huyện Củ Chi cho biết: “Năm nào tôi cũng đến thăm địa đạo để ôn lại truyền thống giữ nước của cha ông. Đồng thời cũng để chứng kiến sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ của quê hương Củ Chi hôm nay”.

Thuyết minh viên đang thuyết minh về kỳ quan giữa lòng đất thép
Các gia đình ở khu vực “vành đai," nhà nào cũng đào hầm, hào nối liền vào địa đạo, tạo thế liên hoàn để vừa bám trụ sản xuất, vừa đánh giặc giữ làng.
Anh Lê Văn Hoạch - Nhân viên Khu di tích địa đạo Củ Chi chia sẻ: “Chúng tôi chủ yếu giới thiệu cho du khách những nét đặc sắc trong đời sống chiến đấu dưới lòng đất. Dù điều kiện gian khổ, thiếu thốn, cán bộ chiến sĩ và du kích vẫn tồn tại kiên cường suốt nhiều năm, khiến kẻ thù không làm gì được”.

Anh Lê Văn Hoạch, nhân viên Khu di tích địa đạo Củ Chi tự hào khi được đứng trên mảnh đất lịch sử với vai trò hướng dẫn viên
Không chỉ có những người làm công tác bảo tồn di tích, chính du khách đến từ nhiều vùng miền cũng không giấu được cảm xúc trước những gì tận mắt chứng kiến. “Lần đầu đến địa đạo, tôi thật sự xúc động. Nhìn mọi thứ xung quanh, tôi mới hiểu hết lòng tự hào dân tộc và cảm nhận được sự hy sinh to lớn của cha ông trong công cuộc đấu tranh giành độc lập”, chị Lê Thị Phương Dung - Du khách đến từ Kiên Giang bày tỏ.
Ông Vũ Xuân Phương, một vị cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trong thời kỳ ấy cũng khẳng định: “Địa đạo Củ Chi là 1 kỳ tích, 1 biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ với quyết tâm vĩ đại, quyết chiến và đã chiến thắng”.

Cựu chiến binh Vũ Xuân Phương nhấn mạnh địa đạo Củ Chi là một biểu tượng mang tính lịch sử của dân tộc
Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cộng với sức hút từ bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối", các đơn vị lữ hành tiếp tục triển khai nhiều tour, tuyến đến địa đạo Củ Chi và được du khách nhiệt tình đón nhận.
Trong tháng 3 năm 2025, lượng khách du lịch nội địa đến địa đạo Củ Chi (TP.HCM) tăng 26% so với cùng kỳ, lượng khách quốc tế cũng tăng 20%.