largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Cư dân TP.HCM xoay xở vì siêu thị chung cư hết hàng

“Tôi không biết rau, thịt, cá về siêu thị khi nào mà canh, lúc nào tôi xuống thì thực phẩm đều hết sạch", một cư dân Vinhomes Central Park nói.

Một tuần nay, chị Thanh Thảo, cư dân Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh) cùng 2 người còn lại trong gia đình chia ca nhau để xếp hàng đi siêu thị mua thực phẩm.

Tuy phải chờ đợi lâu nhưng vào tới nơi lại không còn rau củ quả. Các cư dân được vào trước đã gom thực phẩm chất đầy xe nên chị Thảo đành ra về mà không mua được thức ăn theo nhu cầu.

Xếp hàng nhưng không mua được

“Tôi xếp hàng cả tiếng ở siêu thị ngay chung cư nhưng vào tới nơi thì không còn rau và trứng. Giờ cả ngày chỉ trực mua đồ ăn thôi chứ không làm được gì hết”, chị Thảo nói.

Cùng hoàn cảnh, chị Trần Trang, cư dân Vinhomes Central Park trong ngày 14/7 cũng canh giờ đi mua rau và thịt nấu cháo cho con nhỏ, nhưng vẫn không mua được.

“Tôi không biết rau, thịt, cá về siêu thị khi nào mà canh, lúc nào tôi xuống thì thực phẩm đều hết sạch. Con tôi mấy hôm nay phải ăn cháo gói”, chị Trang cho biết.

Chị Trang đề xuất siêu thị nên ra thông báo nhắc nhở cư dân chỉ mua hàng đủ dùng, không gom hàng để dành phần cho người sau.

Hàng hoá tại các siêu thị tại TP.HCM những ngày gần đầy đều thiếu rau, củ, quả. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hàng hoá tại các siêu thị tại TP.HCM những ngày gần đầy đều thiếu rau, củ, quả. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vất vả xếp hàng từ sáng, chị Thu Thanh, cư dân chung cư Masteri (TP Thủ Đức) cũng chung hoàn cảnh tương tự. Chị Thanh chỉ mua được mì gói, dầu ăn và một ít khoai tây.

“Hành lá, ớt những ngày này tìm không có. Mọi hôm chỉ cần qua khu chợ gần đây là mua được hàng, nay chợ đóng cửa tôi đi 3 siêu thị cũng không đủ mua đồ về nấu ăn”, chị Thanh chia sẻ.

Không chọn cách xếp hàng tại siêu thị, một số cư dân khác đặt hàng online cũng không mua được thức ăn.

Chị Mai Nguyễn (ở chung cư Masteri) đặt đồ ăn qua ứng dụng Meat Deli, Aeon và vài nơi khác thì đều nhận thông báo không nhận thêm đơn hàng vì hệ thống đang quá tải. “Tôi suốt ruột vì toà nhà đang bị phong toả, tủ lạnh thì hết đồ ăn”, chị Mai cho hay.

Tự buôn bán trong chung cư

Trong lúc thực phẩm khan hiếm, nhiều cư dân đã bàn nhau tự mua bán trong nội bộ chung cư để vừa có đủ thực phẩm, vừa đỡ phải ra ngoài lúc giãn cách.

Chị Phương Quỳnh, ngụ chung cư B. (phường An Khánh, TP Thủ Đức) cho biết từ khi dịch bệnh đến giờ chưa từng đi chợ hay siêu thị. Thức ăn của hai mẹ con được giao tận căn hộ mà người bán cũng là cư dân trong chung cư.

"Rau quả, thịt, cá, trái cây,… cư dân đều có bán, giá cả rõ ràng. Không chỉ một mà nhiều nhà cùng bán nên giá cạnh tranh chứ không tăng vọt như bên ngoài’, chị Phương Quỳnh cho hay.

Người dân phải chờ đợi nhiều giờ để được mua hàng tại siêu thị Lotte Mart (quận Gò Vấp) tối 14/7. Ảnh: Nam Anh.

Người dân phải chờ đợi nhiều giờ để được mua hàng tại siêu thị Lotte Mart (quận Gò Vấp) tối 14/7. Ảnh: Nam Anh.

Theo chị Quỳnh, mỗi khi có hàng, những cư dân cũng là "tiểu thương" sẽ thông báo thời điểm rau, củ, quả, trái cây,... về rồi gom đơn. Chị Quỳnh chỉ cần thông báo số lượng hàng muốn mua rồi chuyển khoản, sau đó sẽ được giao tận nơi.

Hay như ở chung cư The Sun Avenue (TP Thủ Đức) cũng có nhóm chợ cư dân, nơi các cư dân trong và cả ngoài chung cư đăng mặt hàng buôn bán. Từ rau củ quả, thịt cá, trái cây, cho đến trà sữa tự làm được mọi người rao bán.

Nhận thấy tình hình khó khăn, ban quản trị các chung cư cũng tìm đầu mối từ các nhà vườn để cung cấp thực phẩm tận tay cho cư dân.

Vừa tìm nguồn cung rau củ từ Đà Lạt, chị Vân Anh (Ban quản trị chung cư Lexington Residence (TP Thủ Đức) thông tin đến cư dân đặt hàng để được giao trong ngày 17 và 18/7.

“Mọi người ghi tên, số điện thoại, tên căn hộ, loại rau củ cần mua và số ký để được nhận hàng”, chị Vân Anh thông báo.

Tuy nhiên, chị Vân Anh cho rằng giá cả rau thời điểm này có thể thay đổi vì còn phụ thuộc vào cước vận chuyển, một số loại rau cũng chưa chắc có đủ để phục vụ cư dân. Tinh thần vẫn là tương trợ lúc giãn cách chứ chắc chắn sẽ không đầy đủ như ngày thường.

Để giải quyết tình trạng thiếu hàng hoá, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức 148 điểm bán hàng lưu động tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Nhiều người dân khu vực có mặt tại điểm bán hàng lưu động ở Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) để mua rau củ sáng 14/7. Ảnh: Phương Lâm.

Nhiều người dân khu vực có mặt tại điểm bán hàng lưu động ở Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh) để mua rau củ sáng 14/7. Ảnh: Phương Lâm.

Các điểm bán hàng lưu động này sẽ giúp phân phối hàng hóa thiết yếu đến nhiều người dân bên cạnh các hệ thống siêu thị, cửa hàng.

Mỗi ngày, Sở Công Thương TP.HCM và UBND các quận, TP Thủ Đức sẽ bố trí điểm bán để doanh nghiệp chuẩn bị, sau đó thông báo đến các hộ gia đình về thời gian và địa điểm để người dân chủ động mua sắm. Cùng với đó, một vài chợ tạm ngưng sẽ được thí điểm bán rau củ trở lại để thêm kênh phân phối thực phẩm cho người dân.