largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Chú ý giảm tốc khi lên cầu vượt, xuống hầm chui

Vụ việc một xe tải mất lái tông lan can cầu vượt ngã tư Amata (TP.Biên Hòa), sắp rơi xuống quốc lộ 1 ngày 12-5 khiến ai nhìn thấy hiện trường tai nạn cũng toát mồ hôi. Cú va chạm mạnh khiến chiếc xe tải nằm kẹt giữa lan can, làm một đoạn lan can thành cầu vượt bị hỏng hoàn toàn.

Rất may lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời kéo chiếc xe gặp nạn ra khỏi thành cầu, không gây thương vong về người.

Xe tải mất lái tông lan can cầu vượt ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) ngày 12-5

Xe tải mất lái tông lan can cầu vượt ngã tư Amata (TP.Biên Hòa) ngày 12-5

Một trong những nguyên nhân khiến xe tải mất lái được cơ quan chức năng xác định là do thời điểm đó, cũng trên cầu vượt ngã tư Amata xảy ra vụ tại nạn do một xe bồn bơm bê tông đụng vào dải phân cách cứng trên cầu vượt làm các tấm bê tông văng ra đường. Đúng lúc đó xe tải nói trên chờ tới tông thẳng vào các trụ bê tông này khiến xe mất lái tông gãy lan can cầu. Dù sự cố giao thông đi trên đường không thể biết trước nhưng nếu tài xế điều khiển xe với tốc độ chậm khi lên cầu vượt sẽ giảm thiểu đáng kể các nguy cơ mất lái khi có tình huống xấu xảy ra.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng các xe lưu thông qua hầm chui, cầu vượt trên địa bàn TP.Biên Hòa (các cầu vượt: Amata, ngã tư Vũng Tàu, các hầm chui ngã tư Vũng Tàu, Tam Hiệp, Tân Phong) vẫn chạy khá nhanh, nhất là các xe tải trọng nặng (xe bồn chở xăng, dầu, bê tông; xe container, xe tải ben…). Trong khi cầu vượt và hầm chui, đa phần mặt đường nhỏ, hẹp, thậm chí có đoạn hơi cong như ở hầm chui ngã tư Vũng Tàu, nếu các xe không giảm tốc độ khi đi vào những nơi này, chẳng may có sự cố giao thông xảy sẽ rất khó làm chủ được tốc độ dễ dẫn đến tai nạn giao thông liên hoàn hoặc lật xe gây nguy hiểm cho người điều khiển, đe dọa tính mạng người tham gia giao thông và còn làm hư hỏng kết cấu đường sá.

Tốc độ cho phép của các loại xe khi tham gia giao thông được quy định tại Thông tư 31/2019/TT-BGTVT ngày29-8-2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, trong khu vực đông dân cư: đường đôi, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên tối đa là 60km/giờ. Đường hai chiều, đường một chiều có 1 làn xe cơ giới: tối đa là 50km/giờ. Khu vực không đông dân cư từ 50-90 km/giờ (tùy loại xe, loại đường).

Đáng chú ý, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT cũng quy định, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ để có thể dừng lại một cách an toàn trong các trường hợp sau: qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường vòng; đường có địa hình quanh co, đèo dốc; đoạn đường có mặt đường hẹp, không êm thuận; qua cầu, cống hẹp; đi qua đập tràn, đường ngầm, hầm chui; khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc…

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn khi đi lên cầu vượt (có đường hẹp), hầm chui, tài xế cần phải giảm tốc độ để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh, đồng thời tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.