largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Chợ truyền thống ở TP Vũng Tàu vắng người, hàng hoá ế ẩm

Sau 2 tuần mở cửa, hầu hết các chợ truyền thống ở TP Vũng Tàu đều vắng bóng người mua, nhiều quầy sạp vừa mở đã phải ngừng kinh doanh vì ế ẩm.

Sau hơn 3 tháng phải đóng cửa để phòng chống dịch Covid-19, hiện nay các chợ truyền thống trên địa bàn TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, sau 2 tuần mở cửa, hầu hết các chợ truyền thống đều vắng bóng người mua, nhiều quầy sạp vừa mở đã phải ngừng kinh doanh vì ế ẩm.

Chị Vân, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Vũng Tàu cho biết, sau khi chính quyền địa phương cho chợ truyền thống hoạt động trở lại, các hộ tiểu thương vô cùng vui mừng vì được buôn bán để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, 10 ngày qua, khách đi chợ rất vắng, nhiều mối hàng cũng chưa quay lại khiến cho sạp thịt của chị luôn trong tình trạng ế ẩm.

Nhiều quầy thịt tại chợ Vũng Tàu chỉ bàn được hơn 10 kg mỗi ngày, giảm hơn hơn 2/3 so với trước dịch.

Nhiều quầy thịt tại chợ Vũng Tàu chỉ bàn được hơn 10 kg mỗi ngày, giảm hơn hơn 2/3 so với trước dịch.

Theo chị Vân, nguyên nhân không có người đi chợ là do sau khi chính quyền áp dụng thích ứng, linh hoạt để phòng chống dịch Covid-19, các chợ tự phát hoạt động trở lại nên người vào chợ không nhiều.

“Hàng hóa bán rất chậm, mỗi ngày chỉ bán được 1/3 sạp hàng. Bình thường mỗi ngày bán được 1 con heo, còn bây giờ chưa được nửa con nên mở hàng bán buôn cho có vì mối lái cũng mất. Hiện nay trong các xóm, hẻm chỗ nào cũng kinh doanh, buôn bán vô tội vạ, tràn lan nên trong trong chợ không bán được và cũng không biết các phường quản lý việc này ra sao”, chị Vân cho hay.

Bà Thu - tiểu thương kinh doanh hàng gia vị ở chợ 5 tầng, phường 7, TP Vũng Tàu cũng lâm vào cảnh buôn bán khó khăn tương tự. Bà Thu cho biết, trước dịch, bình quân bà thu về hơn 1 triệu đồng mỗi ngày, nay thì hàng hoá không ai mua nên chỉ bán được 300.000 – 400.000 đồng là nhiều. Nguồn thu nhập giảm trong khi tiểu thương vẫn phải chi phí các khoản như thuế, tiền điện, vệ sinh…nên nhiều quầy hàng khác cũng không dám khởi động mua bán lại. 

“Chính quyền làm sao dẹp được người kinh doanh ngoài đường thì trong chợ mới bán được, chứ bây giờ ngoài đường bày bán quá nhiều, trong chợ không ai vô. Chợ không có người vào mà đủ thứ tiền phải chi như thuế, tiền điện… nên tiểu thương hết sức khó khăn”, bà Thu kiến nghị.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Vũng Tàu làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP Vũng Tàu làm nơi kinh doanh, buôn bán.

Theo ông Hoàng Văn An, phó Ban quản lý chợ Vũng Tàu, chợ mở cửa từ ngày 17/10, sau dịch có 250 hộ đăng ký kinh hoạt động lại, tuy nhiên đến nay mới có gần 100 hộ kinh doanh các mặt hàng thiếu yếu như rau xanh, thịt heo, cá, gà… Do không có người vào chợ nên đến thời điểm này lượng hàng hoá nhập vào chợ rất ít, giảm gần 90%. Người đi chợ cũng giảm gần 70% so với trước dịch.

“Sau dịch người kinh doanh tại các quầy chỉ khoảng 100 hộ, trong chợ cứ cách mấy ô mới có 1 người bán. Hiện nay lượng khách giảm nhiều, người bán trong chợ cũng ít, buổi sáng chỉ có mấy chục hộ kinh doanh thực phẩm. So với trước dịch chợ rất đông nhưng bây giờ chẳng có người vào”, ông An thông tin.

Nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP Vũng Tàu mong muốn, chính quyền thành phố có biện pháp ngăn chặn các chợ tự phát, hạn chế lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh sau dịch. Như vậy mới có thể tạo sự công bằng giữa tiểu thương tại các chợ và người kinh doanh tự phát, nhất là trong thời gian thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch, bệnh Covid-19, đồng thời nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị về lâu dài./.