largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Chợ đầu mối, siêu thị rục rịch chuẩn bị hàng Tết

Từ 1-12, chợ Bình Điền chính thức hoạt động bình thường trở lại nhưng số thương nhân vào chợ kinh doanh đến thời điểm này chỉ đạt 70%.

Thường trực Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM do ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban kinh tế- Ngân sách HĐND TP.HCM chủ trì đến khảo sát chợ đầu mối Bình Điền về chuẩn bị nguồn hàng Tết để phục vụ Chương trình Dân hỏi Chính quyền trả lời tháng 1-2022 với chủ đề “Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm-nghĩa tình”.

Đại diện chợ đầu mối Bình Điền cho biết, từ đầu tháng 7 dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, TP.HCM và 18 tỉnh thành phía Nam thực hiện theo Chỉ thị 16 nên chợ tạm dừng hoạt động.

Đến tháng 9 chợ mở điểm tập kết trung chuyển hàng hóa; từ ngày 31-10 chợ mở cửa hoạt động trở lại nhưng chỉ với 30% công suất. Từ 1-12, chợ Bình Điền chính thức hoạt động bình thường trở lại nhưng số thương nhân vào chợ kinh doanh đến thời điểm này chỉ đạt 70%. 

Sản lượng hàng hóa trong tháng 12 đạt bình quân 1.200 tấn/ngày, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay sản lượng hàng hóa đang tăng dần ở mức 1.400 tấn/ngày.

Đoàn Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.HCM khảo sát chợ đầu mối Bình Điền đêm 27-12. ẢNH: M.SỸ

Đoàn Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.HCM khảo sát chợ đầu mối Bình Điền đêm 27-12. ẢNH: M.SỸ

Theo đại chợ đầu mối Bình Điền, dự báo hoạt động kinh doanh của chợ những ngày cận Tết sẽ tăng do nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Sản lượng hàng nông sản thực phẩm từ chợ Bình Điền đảm bảo cung ứng cho thị trường Thành phố với giá giữ mức ổn định.

Cụ thể, trong tuần cận Tết sản lượng hàng hóa về chợ có thể tăng bình quân 20% - 35% so với ngày thường, đặc biệt trong đêm cao điểm nhất, sản lượng có thể tăng đến 50%, đạt 2.500- 3.500 tấn/đêm.

Giá cả hàng hóa trong dịp Tết thường biến động tăng vào ngày 25 -28 tháng Chạp, chủ yếu là những mặt hàng sử dụng nhiều như cá thu, cá ngừ, thịt heo, quýt đường, cải thảo… thường tăng giá mạnh từ 10%-50%.

Một số mặt hàng hoa tươi như hoa ly, hoa huệ, cẩm chướng giá tăng từ hai đến ba lần so với bình thường; còn lại hầu hết chỉ biến động nhẹ và một số ít còn giảm giá do sản lượng về nhiều.

Từ đêm cuối chợ Tết 28 tháng Chạp giá cả hầu hết các mặt hàng giảm dần và ổn định sau Tết.

Trong khi đó, bà Phạm Thi Vân, Trưởng Ban Quản lý Hệ thống bán lẻ Satra cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân dịp Tết 2022, toàn hệ thống bán lẻ Satra gồm Satra mart siêu thị Sài Gòn, Satramart siêu thị Phạm Hùng, Satramart siêu thị Củ Chi và chuỗi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP.HCM và TP Cần Thơ đã chuẩn bị lượng hàng phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý, bình ổn.

Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng tăng giá, hàng hóa kém chất lượng, thiếu hụt hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết.

“Dự kiến tổng lượng hàng hóa dự trữ hai tháng trước và sau Tết 2022 của hệ thống ước hơn 500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết 2021. Các nhà cung cấp của Satra  ký cam kết không tăng giá, đảm bảo nguồn hàng chất lượng, ổn định trước trong và sau Tết ”, bà Vân nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, qua báo cáo của Satra, chợ đầu mối Bình Điền và Công ty Vissan về công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa, chất lượng hàng hóa và giá cả đảm bảo ổn định…trong điều kiện dịch bệnh từng bước được kiểm soát tốt, các đơn vị dư sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng người dân thành phố trong dịp tết.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng Ban kinh tế- Ngân sách HĐND TP.HCM đề nghị các đơn vị ngoài đảm bảo phương án chống dịch theo Bộ tiêu chí của Thành phố và cần xây dựng các phương án dự phòng để ứng phó với dịch bệnh trong bình thường mới như hiện nay; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ giao nhận...