largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Chiêu trò hút người xem của những Facebooker, TikToker

Hành vi tăng tương tác trên mạng xã hội được người dùng lợi dụng biến tướng thông qua hàng loạt chiêu trò, và có TikToker đã bị khởi tố do chia sẻ hình ảnh không phù hợp.

Ngày 16/6, Công an quận Đống Đa, Hà Nội, đang củng cố hồ sơ xử phạt hành chính người phụ nữ tên là T.D.H. (33 tuổi, trú phường Láng Thượng) về hành vi sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân để câu like.

Ngoài T.D.H., nhiều người dùng mạng xã hội cũng từng bị cơ quan công an mời hoặc triệu tập lên làm việc do những chiêu trò "câu like, hút view" bằng các thông tin, nội dung sai sự thật.

Mặc trang phục công an để câu like

T.D.H. là chủ salon tóc ở quận Đống Đa. Dù không công tác trong lực lượng công an, H. khai đã mặc trang phục cảnh sát giao thông để livestream trên TikTok.

H. thừa nhận thực hiện hành vi trên vào các ngày 7/6 và 9/6, mục đích để thu hút sự chú ý của mọi người. Qua nắm tình hình không gian mạng, Công an Hà Nội phát hiện tài khoản TikTok của H. đăng clip cô này mặc trang phục CSGT và thu hút lượng lớn tương tác. Sau đó, lực lượng chức năng mời nữ chủ salon tóc lên làm việc.

Hình ảnh T.D.H. bị công an mời làm việc sau khi mặc áo CSGT để câu like.

Hình ảnh T.D.H. bị công an mời làm việc sau khi mặc áo CSGT để câu like.

Cuối tháng 4/2020, Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An, từng xử phạt hành chính số tiền một triệu đồng đối với L.H.Q. (32 tuổi, người địa phương) về hành vi sử dụng trái phép trang phục công an nhân dân.

Q. khai bản thân không phải công an nhưng ngày 25/4/2020, anh ta đăng hình ảnh mình mặc cảnh phục của công an lên tài khoản Facebook cá nhân để câu like. Bức ảnh sau đó thu hút sự chú ý và nhận được nhiều lượt bình luận.

Lập fanpage giả mạo cơ quan công an

Hôm 15/6, Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện N.V.N. (18 tuổi, ở huyện Hiệp Hoà) lập fanpage giả mạo công an tỉnh này. Theo điều tra, hồi đầu năm, N. tải hình ảnh một cô gái mặc trang phục lực lượng vũ trang, sau đó lập tài khoản Facebook "Trần Thị Hương (Công an tỉnh Bắc Giang)" và Fanpage "Trần Thị Hương".

Trong các tài khoản đó, N. ghi thông tin giới thiệu thể hiện là người thuộc lực lượng công an. Fanpage còn đăng số điện thoại để liên hệ với Công an Bắc Giang.

Cảnh sát làm việc với N.T.T.A. Ảnh: Công an Hải Dương.

Cảnh sát làm việc với N.T.T.A. Ảnh: Công an Hải Dương.

Ngoài vụ việc trên, N. còn khai ngày 26/1 đã lập fanpage giả mạo Công an tỉnh Bắc Giang. Đến ngày 10/6, N. đổi tên trang này thành "UBND Công an tỉnh Bắc Giang" và quản trị nhóm.

Sau khi tạo lập nhóm Facebook "Công An tỉnh Bắc Giang", N. sử dụng tài khoản quản trị "Trần Thị Hương" đăng bài viết với nội dung thông báo "Đây là cơ quan tỉnh Bắc Giang".

Với những việc làm trên, Fanpage giả mạo Công an tỉnh Bắc Giang do N. tạo lập đã thu hút hơn 1.400 tài khoản theo dõi. N. tường trình mục đích của việc này nhằm thu hút lượt like, tương tác.

Bị khởi tố vì chia sẻ video để câu like

Hành vi câu like, tăng tương tác trên mạng xã hội còn được người dùng sử dụng biến tướng thông qua hàng loạt chiêu trò khác. Thậm chí, có người đã bị khởi tố do chia sẻ video có nội dung không phù hợp.

Điển hình là vào trung tuần tháng 3, N.T.T.A. (20 tuổi, ở TP Chí Linh, Hải Dương) đăng 2 video với độ dài khoảng 3 phút lên mạng xã hội. Nội dung các video có tính khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục. Sự việc nhanh chóng được Công an Chí Linh vào cuộc điều tra.

Ngày 14/6, cơ quan điều tra đã khởi tố N.T.T.A. về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy sau khi xác định A. đã gửi những nội dung trên cho ít nhất 10 tài khoản khác. Nữ bị can khai bản thân tải những video trên mạng sau đó phát tán để câu view, tăng tương tác.

Ngoài sự việc trên, ngày 7/8/2021, P.N.T. (20 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đăng đoạn clip lên TikTok và chèn thêm nội dung "Tại sao tôi vẫn đi vòng quanh Hà Nội được khi có chốt" và "Thẻ đỏ quyền lực của ba" nhằm câu view, thu hút người xem.

Đoạn video nhanh chóng được cộng đồng mạng chia sẻ, lan truyền với tốc độ chóng mặt bởi chiếc thẻ màu đỏ ghi dòng chữ "Thẻ cán bộ". Đáng chú ý, clip của T. tung lên mạng trong bối cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch Covid-19.

Ngày 9/8/2021, Công an Hà Nội làm rõ tấm thẻ màu đỏ xuất hiện trong clip của T. là thẻ của anh P.N.N. (từng công tác tại một cơ quan báo chí). H. từng làm việc cùng anh N. nên đã mượn tấm thẻ rồi quay clip và lưu vào điện thoại.

Từng chia sẻ với Zing về vấn nạn đăng video nhảm để câu view, ông Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhấn mạnh phần lớn mạng xã hội, nhất là các trang có nhiều người dùng, đều có máy chủ đặt ở nước ngoài. Điều này gây khó khăn cho cơ quan quản lý giám sát nội dung. 

Theo ông Thắng, để ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan quản lý cần có chế tài xử lý nghiêm khắc để không có ai vi phạm. Nếu vi phạm rồi, cơ quan chức năng cần có công cụ phát hiện, khẩn trương thông báo cho đơn vị quản lý trang mạng đó gỡ các video không phù hợp, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.