largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ khó tồn tại

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sẽ thu hẹp.

Nhiều năm gần đây, khi tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra không ổn định… nên người chăn nuôi nhỏ lẻ liên tục thua lỗ, đối mặt với nhiều rủi ro và gần như không thể trụ nổi với thị trường.

Ông Hoàng Văn Thành (ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) - cho biết giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Hầu như tháng nào cũng tăng giá, thậm chí có tháng tăng đến 2 lần. Diễn biến này khiến giá heo xuất chuồng tăng nhưng không theo kịp đà "nhảy múa" của giá thức ăn chăn nuôi, khiến trại heo của ông Thành đang bỏ trống.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tám (ngụ tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho biết: Với gần 20 năm nuôi heo thịt, nhưng gần 2 năm qua, gia đình phải treo chuồng, ngừng nuôi hẳn. Giá cám công nghiệp tăng liên tục, trong khi đó, giá heo bán ra thấp không đủ chi phí đầu tư, mỗi lứa heo xuất chuồng lỗ cả chục triệu đồng.

“Liên tục trong khoảng 2 năm liền, gia đình tôi phải bù lỗ cho 6 lứa heo xuất chuồng nên không dám nuôi nữa. Nếu không nghỉ sớm thì phải tiếp tục bù lỗ thêm mấy lứa heo nữa, chắc hết vốn” - ông Tám nói.

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ khó tồn tại. Ảnh: Nguyễn Thường

Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ khó tồn tại. Ảnh: Nguyễn Thường

Không chỉ đau đầu vì giá thức ăn chăn nuôi tăng, các hộ chăn nuôi còn “lép vế” trong cuộc cạnh tranh trên thị trường với các công ty chăn nuôi, chuỗi liên kết chăn nuôi khép kín có nhiều lợi thế. Sản xuất theo chuỗi, các hộ nuôi chủ động được con giống, sản xuất được thức ăn, giết mổ tập trung và kiểm soát chất lượng nên giá bán của họ vẫn kiểm soát. Thậm chí có thời điểm sức mua giảm, họ vẫn phối hợp với các nhà phân phối thực hiện chương trình kích cầu giảm giá một số sản phẩm chăn nuôi để kích thích tiêu dùng. Với các nông hộ riêng lẻ chỉ biết chăn nuôi rồi bán cho thương lái vừa chịu tác động của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa mất chi phí cho quá nhiều khâu khác nên sẽ làm giảm lợi nhuận. Chưa kể, khi xuất chuồng, họ phải bán theo giá thị trường do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn dẫn dắt.

Để thích ứng với những điều kiện chăn nuôi khắt khe hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đầu tư chuyển đổi mô hình, từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp với những trang trại lớn, quy mô đàn vài trăm đến cả ngàn con.

Ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) cho biết: Trước đây, vợ chồng tôi nuôi heo chuồng, mỗi lứa thả khoảng 20 con giống. Nhưng do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, gia đình mạnh dạn xây dựng trại nuôi với quy mô 500 con/lứa, liên kết hợp đồng nuôi gia công với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Khi chuyển sang nuôi theo mô hình này, việc chăm sóc, nuôi dưỡng đều được áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Heo nuôi được chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh, cho ăn đúng khẩu phần; vấn đề vệ sinh môi trường được xử lý bằng công nghệ hiện đại nên không gây tác động đến môi trường. Gia đình cũng không còn thấp thỏm lo đầu ra, xuất lứa nào thu lời lứa đó, rất an tâm.

Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sự teo tóp của các nông hộ chăn nuôi cho thấy sự bấp bênh của thị trường đã khiến người chăn nuôi rơi rụng dần khỏi cuộc đua bởi không đủ lực, tổ chức sản xuất theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững.

Khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất nên chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ sẽ thu hẹp.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 5 năm qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ đã giảm từ 5 - 7%/năm, riêng giai đoạn 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ giảm 15 - 20%. Hiện nay, sản lượng heo sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, sản lượng heo sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại chiếm 50 - 60%.