largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Cấm giáo viên dạy thêm, tại sao bác sĩ được làm thêm?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng việc làm thêm của bác sĩ vừa đảm bảo thêm thu nhập lại nâng cao năng lực chuyên môn của họ.

Sáng 10/11, tại hội trường Quốc hội, lấy dẫn chứng ngành giáo dục yêu cầu cấm dạy thêm, học thêm để đảm bảo chất lượng dạy và học trên lớp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi việc các bác sĩ liên kết xây dựng phòng khám riêng có ảnh hưởng tới chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện công hay không.

Trả lời, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc hành nghề, làm thêm của bác sĩ ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố liên quan đến thu nhập, uy tín. Việc bác sĩ hành nghề vừa đảm bảo thêm thu nhập lại nâng cao năng lực chuyên môn của họ.

Ông Long nhấn mạnh không nên phân biệt giữa cơ sở y tế công và tư. Việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là sự kết hợp hài hòa giữa 2 lực lượng trên, do vậy sự trao đổi và chia sẻ sẽ đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hồng Phong.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hồng Phong.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết đã có những quy định về quản lý thời gian hành nghề, tái tạo sức lao động của bác sĩ. Đồng thời, cơ quan này nghiêm cấm việc không hoàn thành công việc ở cơ sở y tế công lập mà đã làm ở cơ sở tư nhân.

“Các tỉnh, thành phố và sở y tế sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp này”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu vấn đề trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng như máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang… Một số bác sĩ kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội nhưng sau đó đã phải xóa hoặc đính chính thông tin. Ông Tiến đặt câu hỏi liệu đây có phải chủ trương của Bộ hay không?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trong thời gian đầu có xảy ra tình trạng thiếu thiết bị như khẩu trang, máy thở, găng tay, kit test… Các nước cũng đã tranh nhau mua để đảm bảo nguồn vật tư cho quốc gia mình.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và các doanh nghiệp đã chủ động vào việc mua, sản xuất máy thở. Trong năm 2020, có 2 doanh nghiệp trong nước đã sản xuất máy thở ở thể trung bình. Đến nay, về cơ bản những máy thở ở thể trung bình đã có thể đảm bảo nguồn cung trong nước. Đối với máy thở dòng cao chúng ta cũng đã cố gắng mua, huy động, hỗ trợ… Từ đó, tư lệnh ngành y bày tỏ cảm ơn, trân trọng các tổ chức, doanh nghiệp và bạn bè các nước đã hỗ trợ.

“Chúng tôi dự kiến mua 1.000 máy thở nhưng doanh nghiệp đã hỗ trợ 2.400 máy. Tại TP.HCM, doanh nghiệp đã hỗ trợ 750 máy và TP chỉ phải mua 50 máy. Đến nay chúng ta không thiếu máy thở ở cả chức năng cao và thấp”, ông Long nói.

Bộ Y tế cũng đã thành lập các kho dã chiến ở các tỉnh phía Nam và giao trách nhiệm cho bộ phận thường trực tại TP.HCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để điều chuyển.

“Chúng tôi chưa bao giờ có chủ trương không cho bác sĩ kêu gọi trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.