largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Bùng phát bệnh Whitmore sau lũ miền Trung

Từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11-2020, BV Trung ương Huế tiếp nhận 28 trường hợp mắc bệnh Whitmore, trong khi chín tháng đầu năm chỉ có 11 ca.

Vừa qua, các cơn bão và mưa lớn liên tục khiến tình trạng ngập lụt lan rộng khắp miền Trung. Nhiều nơi tại khu vực này ngập sâu kéo dài, là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

Số ca Whitmore tăng đột biến

Đáng chú ý là sự gia tăng đột biến của các ca bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Trong các trường hợp mắc bệnh có ông Phan Thanh Miên, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), đã không may tử vong.

Trước đó, mặc dù bị thương ở khớp gối nhưng ông Miên vẫn lội nước hỗ trợ người dân bị cô lập bởi nước lũ. Sau khi mưa lũ đi qua, ông Miên sốt nhẹ nên đã đến Trạm Y tế xã Bắc Trạch tiêm thuốc hạ sốt nhưng không đỡ. Tiếp đó, ông được đưa đến Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) rồi chuyển lên BV Trung ương Huế điều trị.

Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trịtại BV Trung ương Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore đang được điều trịtại BV Trung ương Huế. Ảnh: NGUYỄN DO

Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Miên bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei từ vết thương khớp gối phải. Ông Miên phải thở máy, lọc máu liên tục nhưng do bị nhiễm trùng quá nặng và phổi bị đen, ông đã không qua khỏi.

Theo BS CK II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế, bão và sau đó là lũ lụt kéo dài tại các tỉnh miền Trung từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11 đã khiến số ca bệnh Whitmore nhập viện tăng đột biến. Chỉ một tháng rưỡi mà BV đã có 28 ca nhập viện, trong đó 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế).

Theo số liệu tại hội thảo bệnh Whitmore toàn cầu tháng 8-2016, từ tháng 6 đến tháng 12-2015, Việt Nam đã phát hiện 70 ca bệnh Whitmore tại năm tỉnh Bắc Trung bộ là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế. Trong đó có 18 ca tử vong, 11 ca ghi không rõ, 11 ca khác phải chuyển tuyến. Tỉ lệ tử vong trung bình của bệnh này là 40%-60%.
 
BS CKII HOÀNG THỊ LAN HƯƠNG, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế

Thống kê tại BV Trung ương Huế cho thấy từ năm 2014 đến 2019 có 83 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei). Từ tháng 1 đến tháng 9-2020 có 11 bệnh nhân và từ tháng 10 đến giữa tháng 11 có 28 bệnh nhân. “Nhiều bệnh nhân đến BV đã ở giai đoạn muộn, bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng, điều trị khó khăn, chi phí điều trị cao nhưng kết quả không khả quan” - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, sự tăng đột biến số lượng ca bệnh Whitmore trong tháng 9, 10 và 11 tại Việt Nam là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Lý do là số lượng ca bệnh có liên quan chặt chẽ và tỉ lệ thuận với lượng mưa hằng năm, đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Chủ động phòng ngừa

Bà Hương khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với đất, nước bùn ở vùng lũ, nhất là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ. Những người có nguy cơ cao như thường xuyên phải làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, nước dơ phải sử dụng giày, dép và găng tay để hạn chế nguồn gây bệnh.

Bệnh Whitmore là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vi khuẩn này tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước, lây truyền chủ yếu qua vết thương hở trên da.

Bệnh Whitmore ít gặp, không lây thành dịch, ghi nhận số ca mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1925, sau đó xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể gây tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng.
 
(Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Đặc biệt, khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh mạn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

“Bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu. Những trường hợp tử vong thường là do bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần sớm đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và can thiệp kịp thời” - bà Hương cho biết thêm.

Cũng theo bà Hương, thời gian tới BV Trung ương Huế sẽ kết hợp với Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học ĐH Quốc gia Hà Nội sàng lọc phát hiện các ca bệnh nghi ngờ bằng kỹ thuật Elisa. Phương pháp này sẽ mở ra nhiều cơ hội để bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị sớm và có kết quả khả quan hơn.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết đã chỉ đạo ngành y tế phối hợp cùng các phòng, ban chức năng hướng dẫn các địa phương tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau bão, lũ. Cạnh đó phải chuẩn bị cơ sở, vật tư y tế sẵn sàng phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 nếu có.