largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Bỏ khung giá đất, bớt khó cho nhiều địa phương

Bỏ khung giá đất là mong muốn của hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước, vì góp phần tháo gỡ được những bất cập trong bồi thường, thu hồi đất cho các công trình, dự án. Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án cấp quốc gia, vùng, tỉnh, huyện, nếu được bỏ khung giá đất sẽ rút ngắn được thời gian triển khai.

Khung giá đất thường chỉ bằng 30-70% so với giá thị trường. Trong ảnh: Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Minh

Khung giá đất thường chỉ bằng 30-70% so với giá thị trường. Trong ảnh: Tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa). Ảnh: Khánh Minh

Hiện nay, Đồng Nai đang triển khai hơn 1,5 ngàn dự án trên các lĩnh vực, trong đó đa số các dự án phải thu hồi đất của người dân để thực hiện. Việc thu hồi đất tại các dự án rất khó khăn, vì có những hộ dân chưa đồng tình, cho rằng giá đất bồi thường thấp hơn nhiều so với giá giao dịch ngoài thị trường. Tuy mỗi dự án tỉnh có ban hành giá bồi thường riêng nhưng vẫn chịu tác động lớn từ khung giá đất của Chính phủ.

* Gỡ khó cho các địa phương

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm/lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất trên thị trường tăng hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp.

Các tỉnh, thành sẽ căn cứ khung giá đất của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm/lần và mỗi năm sẽ ban hành thêm hệ số giá đất. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính thuế sử dụng đất; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai...

Thực tế, khung giá đất do Chính phủ quy định có độ “cứng” cao và khó điều chỉnh linh hoạt theo biến động thị trường cũng như đặc thù từng địa phương nên trong thời gian qua cũng còn những khó khăn, vướng mắc.

Chủ tịch UBND H.Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu cho hay: “Bỏ khung giá đất sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai các dự án phải thu hồi đất. Bởi đất đai ở mỗi khu vực sẽ có giá khác nhau, tùy vào thời điểm và chịu tác động của nhiều yếu tố. Do đó, việc quản lý bằng khung giá đất sẽ không phù hợp với điều kiện thực tế”.

Cũng theo bà Châu, H.Trảng Bom đang triển khai nhiều công trình, dự án và thời gian qua, đa số các dự án bị chậm tiến độ do khâu bồi thường, thu hồi đất. Nếu bỏ khung giá đất, thông qua sàn giao dịch xác định giá đất sẽ sát với giá thị trường. Người dân bị thu hồi đất khi thấy giá bồi thường gần với giá thị trường sẽ đồng thuận và giao đất nhanh, dự án có mặt bằng thi công đúng tiến độ, đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vào ngày 21-7-2022, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, việc xác định giá đất còn nhiều hạn chế, vướng mắc, xảy ra nhiều sai phạm. Do đó, Trung ương đã thảo luận và thống nhất bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16-6-2022, quy định bỏ khung giá đất nhưng HĐND tỉnh phải quyết định bảng giá đất, đây là điểm đột phá tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

* Đẩy nhanh tiến độ các dự án

Thời gian qua, khiếu nại liên quan đến đất đai gia tăng, dự án chậm tiến độ do đền bù, giải phóng mặt bằng chủ yếu do giá đền bù thấp, giá đất được xác định thấp hơn nhiều so với giá đất thị trường. Nhiều hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án đều khẳng định, họ ủng hộ việc triển khai các dự án và sẵn sàng giao đất khi giá bồi thường không quá thấp so với giá thị trường.

Tại Đồng Nai, có những dự án kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành như các Khu công nghiệp: Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai (H.Trảng Bom), Amata (TP.Biên Hòa), Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành…, đa số ách tắc ở khâu bồi thường và phần lớn liên quan đến giá bồi thường.

Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho biết: “Bỏ khung giá đất là thích hợp vì khi Nhà nước thu hồi đất sẽ căn cứ vào giá thị trường để bồi thường cho người dân và người dân sẽ bớt thắc mắc và khiếu nại. Các dự án bồi thường nhanh, có mặt bằng để thi công sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác. Đồng thời, các địa phương hạn chế được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai”.

Theo Sở TN-MT, trong các khiếu nại của người dân trên địa bàn tỉnh liên quan đến đất đai thì có từ 70-80% liên quan đến giá bồi thường. Điểm nghẽn trên được tháo gỡ, tình trạng khiếu nại về đất đai sẽ giảm nhiều, người dân sẽ đồng thuận và giao đất cho chủ đầu tư dự án nhanh hơn.

Chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên cho hay: “Huyện đang tiến hành rà soát lại tất cả vướng mắc liên quan đến đất đai để từ đó phân loại và kiến nghị UBND tỉnh hướng giải quyết. Chính phủ bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo thị trường là mong muốn của nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi đang triển khai nhiều dự án phải thu hồi đất”.

Luật Đất đai năm 2013 quy định, giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường, nhưng trên thực tế chỉ bằng khoảng 50-70% giá thị trường. Cá biệt có những khu đô thị khung giá đất cũng chỉ khoảng 30% so với giá đất thị trường. Ví dụ đối với đất ở tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa), bảng giá đất của tỉnh giai đoạn 2020-2024 căn cứ vào khung giá đất của Chính phủ để xây dựng giá chỉ từ 18-25 triệu đồng/m2 (tùy theo từng đoạn) nhưng thực tế giá thị trường người dân chuyển nhượng cho nhau từ 60-90 triệu đồng/m2.