largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Báo động nạn khai thác cát trái phép tràn lan tại Bình Thuận Bài 4: Huyện Tánh Linh quyết liệt đấu tranh với “cát tặc”, trả lại bình yên cho Nhân dân

Trước những chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh từ thành lập liên ngành kiểm tra, khai thác, vận chuyển cát “lậu” đến lắp đặt camera giám sát tại các chốt tuần tra ra vào trên địa bàn… đến nay hồ Biển Lạc, sông La Ngà cũng như vùng đất Tánh Linh đang bình yên trở lại.

Sau tuyến bài điều tra, phản ánh của báo Tuổi trẻ Thủ đô về tình hình cát “lậu” khai thác vận, chuyển ngang nhiên tại khu vực hồ Biển Lạc, sông La Ngà trên địa bàn huyện Tánh Linh, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh Giáp Hà Bắc đã ra công văn khẩn, chỉ đạo nóng thành lập liên ngành thanh, kiểm tra tình hình khai thác, vận chuyển khoáng sản tại khu vực lòng hồ Biển Lạc và trên địa bàn.

UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo lắp camera ăn ninh giám sát xe quá tải chở cát lậu qua địa bàn

UBND huyện Tánh Linh chỉ đạo lắp camera ăn ninh giám sát xe quá tải chở cát lậu qua địa bàn

Trao đổi với phóng viên, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, cho biết: “Sau khi báo Tuổi trẻ Thủ đô phản ánh, UBND huyện Tánh Linh đã phân công và tổ chức thành lập các tổ liên ngành công an, quân sự, cơ quan liên quan tham gia xử lý khai thác khoáng sản trái phép.

Bước đầu kiểm tra, lực lượng liên ngành của huyện đã phát hiện và tịch thu các phương tiện khai thác cát “lậu”, xử lý các tàu ghe không hoạt động và tiếp tục có phương án trục vớt ra khỏi hồ Biển Lạc. Hiện nay, huyện đã trục vớt khoảng 10 tàu ghe, còn 7 chiếc đang tiếp tục lên kế hoạch tính toán chi phí trục vớt có thời hạn để chấm dứt.

Riêng về vận chuyển khoáng sản thì lực lượng liên ngành kiểm tra trên đường và hoá đơn, nếu không đúng thì xử phạt, tịch thu theo quy định. Huyện đã thành lập tổ đặc biệt kiểm tra lưu động và một tổ cố định để kiểm tra kiểm soát. Việc thực hiện này đang được UBND huyện tiếp tục kiện toàn, bổ sung.

UBND huyện Tánh Linh đã quyết liệt dẹp bỏ nạn khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Để hiệu quả quả hơn trong việc giám sát, kiểm tra, chúng tôi đã khảo sát và tiến hành lắp camera tại các chốt kiểm soát phương tiện ra, vào trên địa bàn, đặc biệt là tăng cường kiểm tra các xe vận chuyển khoáng sản. Hệ thống camera trên được giao cho Trưởng Công an huyện theo dõi, giám sát, kiểm tra báo cáo hằng ngày để lên phương án xử lý”.

Sau khi

Sau khi "cát tặc" bị dẹp bỏ, hồ Biển Lạc bình yên trở lại

Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh tình hình khai thác, vận chuyển cát tại hồ Biển Lạc và sông La Ngà (xã Gia An, huyện Tánh Linh) diễn ra rầm rộ. Người dân tại thôn 1 xã Gia An cho biết việc khai thác cát trên sông La Ngà diễn ra rầm rộ từ lâu khiến họ phải gửi đơn cầu cứu về tình trạng sạt lở mất đất sản xuất.

Ông Nguyễn Bảy, Trưởng thôn 8, xã Gia An, phản ánh: “Trước tình trạng sạt lở, các cơ quan liên quan của tỉnh đã tổ chức họp với người dân và cho biết doanh nghiệp Xuân Trường khai thác cát ở khu vực dòng sông La Ngà thuộc xã Gia An có giấy phép. Doanh nghiệp Xuân Trường cũng đã đền bù thiệt hại với người dân.

Riêng doanh nghiệp Minh Châu hợp đồng chỉ có 500 mét mà hút trộm liên tục. Sau này hết hạn hợp đồng rồi, doanh nghiệp này vẫn tiếp tục làm”.

Về thông tin liên quan việc khai thác cát trên sông La Ngà có đúng quy định hay không, ông Phạm Đức Tuyển, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Trường cho phóng viên biết: “Để được cấp giấy phép thì doanh nghiệp phải có giấy tờ hiệp thương với người dân. Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Trường đã thương lượng, thỏa thuận đền bù với người dân từ năm 2016 với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Trong hợp đồng đều có chữ ký đồng ý của các hộ dân, sau đó doanh nghiệp mới được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép. Hàng năm, doanh nghiệp thống kê danh sách người dân trên đoạn sông được cấp phép khai thác, nếu có ảnh hưởng như sạt lở thì doanh nghiệp sẽ đền bù. Sắp tới chúng tôi tiếp tục đền bù thêm những hộ dân bị ảnh hưởng thực sự”.

Qua hồ sơ ông Tuyển cung cấp, khu vực khai thác của doanh nghiệp đã có đền bù, hỗ trợ đối với nhiều hộ dân từ năm 2016, 2018, 2019… Ông Tuyển cho biết thêm: “Chúng tôi là đơn vị được cấp phép nên làm việc luôn tuân thủ pháp luật. Hàng quý, hàng năm, các cấp, ngành có sự kiểm tra, giám sát và doanh nghiệp báo cáo đầy đủ”.

Theo UBND huyện Tánh Linh, trên sông La Ngà tại xã Gia An hiện chỉ có đơn vị Xuân Trường có giấy phép khai thác. Ngoài ra, Doanh nghiệp Tư nhân Minh Châu cũng khai thác nhưng giấy phép đã hết hạn từ nhiều tháng qua.

Một góc hồ Biển Lạc

Một góc hồ Biển Lạc

“Sau khi báo phản ánh việc đơn vị Minh Châu còn khai thác, mua bán, vận chuyển, UBND huyện sẽ chỉ đạo kiểm tra, đo đạc số cát tồn đọng đã khai báo trước đó của đơn vị này, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm", đại diện UBND huyện Tánh Linh cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, với việc chỉ đạo, thực hiện quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh, đến nay các chốt ra vào trên địa bàn huyện được thực hiện nghiêm. Riêng tuyến đường 720 tại xã Gia An (điểm nóng khai thác cát), huyện đã thành lập 3 đội kiểm tra, kiểm soát các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện vận chuyển khoáng sản.

Với việc thực hiện quyết liệt và gắt gao, số lượng xe tải chở cát đã giảm đáng kể. Đặc biệt, khu vực “điểm nóng” về khai thác cát hồ Biển Lạc đến nay đã chấm dứt việc khai thác cát, trả lại sự trong xanh cho hồ Biển Lạc.

Nói về vấn đề này, nhiều người dân đánh bắt cá tại hồ Biển Lạc cho biết, họ rất vui khi trong lòng hồ không còn đoàn tàu với tiếng máy nổ ầm ĩ hút cát. Nay, hồ Biển Lạc đã trong xanh trở lại…