largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

Ai sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn nhưng các quốc gia có các tiêu chí ưu tiên tiêm chủng của riêng mình.

Niềm hy vọng vắc xin hiệu quả đầu tiên chống lại Covid-19 có thể được phân phối vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2021 khiến một số quốc gia công bố ai sẽ được tiêm phòng trước.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Mỹ

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ đã phát hành cuốn sách xác định nhóm ưu tiên chủng ngừa Covid-19. Theo đó, các nhóm thiểu số - những người được chứng minh dễ bị tổn thương hơn với tư cách là “dân số nguy cấp” - được xem xét trước.

Trong danh sách ưu tiên còn có những người sống và làm việc tại các nhà dưỡng lão, nhà tù và cơ sở tâm thần, nhân viên y tế, những người trên 65 tuổi và người có bệnh nền.

Ở châu Âu, các quốc gia đang ở cấp độ lập kế hoạch khác nhau. Một số nước đã cung cấp hướng dẫn chi tiết về đối tượng nhận vắc xin và cách thức cung cấp vắc xin Covid-19 đợt đầu tiên.

Đức

Chính phủ cho hay, họ không chắc có đủ liều vắc xin cho tất cả mọi người vào thời điểm ban đầu. Bộ trưởng Y tế, Jens Spahn, đánh giá sẽ mất nhiều tháng tiêm chủng với mục tiêu 55-65% dân số để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Một nhóm các cơ quan y tế, đạo đức của Đức sẽ đưa ra các hướng dẫn về “tiếp cận công bằng và có trật tự” với khoảng 30-40% dân số trong nhóm có nguy cơ cao theo độ tuổi hoặc sức khỏe. Danh sách này bao gồm 23 triệu người Đức trên 60 tuổi.

Đức cho biết họ dự định giảm áp lực cho các khu chăm sóc đặc biệt bằng cách ưu tiên những người có nguy cơ cao, với việc phân phối trước tiên tại các trung tâm tiêm chủng theo yêu cầu và sau đó thông qua bác sĩ đa khoa.

Cấp độ ưu tiên tiếp theo sẽ là những người làm việc trong các dịch vụ hành chính công, bao gồm nhân viên trong bệnh viện, nhà dưỡng lão, các dịch vụ khẩn cấp.

“Đầu tiên là các y tá, bác sĩ và những người thuộc nhóm rủi ro. Đó đã là một con số khá lớn ở đất nước chúng tôi”, Thủ tướng Angela Merkel cho biết.

Pháp

Giống như Đức, Pháp dựa vào một nhóm các ủy ban cố vấn để ban hành dự thảo hướng dẫn về ưu tiên tiêm chủng và một chiến dịch tham vấn cộng đồng rộng rãi nhằm chống lại tâm lý chần chừ sử dụng vắc xin.

Pháp ước tính 6,8 triệu công dân của họ có nguy cơ đặc biệt cao, bao gồm 1,8 triệu chuyên gia y tế và nhân viên chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khoảng 23 triệu người được coi dễ bị tổn thương do tuổi tác hoặc có bệnh mạn tính.

Mặc dù WHO đã khuyến cáo các nghề có nguy cơ cao hơn trong chiến lược tiêm chủng, Pháp đã mở rộng danh mục này cho những người lao động bên ngoài dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cấp cứu và nhà dưỡng lão.

Các tài xế được ưu tiên tiêm phòng vì có tỷ lệ tử vong cao hơn nhân viên y tế trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên của Pháp. Năm triệu người khác cũng sẽ được đưa vào danh sách vì họ tiếp xúc với nhiều người bao gồm những người làm tại cửa hàng, siêu thị, trường học, lò mổ và ngành xây dựng.

Các nhóm ưu tiên tiếp theo sẽ là người dân ở các vùng lãnh thổ hải ngoại thiếu khu chăm sóc đặc biệt; nhân viên trong các cơ sở như nhà tù, quân đội và các dịch vụ khẩn cấp.

Tây Ban Nha

Tây Ban Nha hy vọng sẽ nhận được khoảng 20 triệu liều vắc xin theo một thỏa thuận do Liên minh châu Âu ký kết. Lô hàng đầu tiên dự kiến vào cuối năm nay và năm sau, đủ để cung cấp cho 10 triệu người, mỗi người hai liều theo yêu cầu.

Các tiêu chí chi tiết dự kiến sẽ được công bố trong những tuần tới. Bộ trưởng Y tế Salvador Illa đã gợi ý rằng nhân viên y tế và người cao tuổi nên được ưu tiên. Hai nhóm, với khoảng 10 triệu người, sẽ sử dụng gần như tất cả các liều có sẵn ban đầu.

Việc tiêm chủng phần lớn được thực hiện tại các cơ sở y tế địa phương để tránh những người dễ bị tổn thương phải đến bệnh viện.

Ý

Walter Ricciardi, cố vấn khoa học cấp cao của Bộ trưởng Bộ Y tế Ý, cho hay, ưu tiên tiêm chủng của đất nước sẽ là nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc các bệnh nguy hiểm, tiếp theo là quân đội và cảnh sát.