largeer

| TP HỒ CHÍ MINH 34°C /57% weather

10 năm gom đồ cũ cho trẻ nghèo của bà chủ quán cơm "cân" độc nhất Sài Gòn

Hơn 10 năm trôi qua, bà Danh Thu Loan lặng lẽ gom góp quần áo, giày dép, túi xách... đã cũ san sẻ đến trẻ em nghèo đang cần dùng.

Tìm đến quán cơm rộng chừng 10m2 với đủ thứ đồ đạc của bà Danh Thu Loan (62 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chiếc gác xép chật hẹp ấy đựng đủ thứ "trên trời dưới đất". Nào là quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón, đồ chơi...đến tã lót, bỉm sữa.

Bà Danh Thu Loan bán cơm cho khách. Ảnh: Anh Nhàn

Bà Danh Thu Loan bán cơm cho khách. Ảnh: Anh Nhàn

Ai không biết cứ tưởng đây là những vật dụng dành cho một nhà trẻ. Nhưng không phải vậy, tất cả đồ đạc này bà Loan gom góp từ khắp nơi để gửi tặng các em nhỏ tận Lâm Đồng và một số em vùng ven Sài Gòn và tỉnh Đồng Nai.

Hỏi về công việc kỳ lạ này, bà Loan bộc bạch: "Sài Gòn người ta bỏ nhiều đồ còn mới lắm, nhưng trẻ em vùng cao thì thiếu thốn đủ bề. Thế nên đồ gì người ta không dùng nữa mình xin để gửi lại các em".

Bà Loan dứt lời, anh Võ Danh Nhân (35 tuổi, con trai bà Loan) đã đem về hai bao đồ cho trẻ nhỏ, một chiếc xe tập đi và 1 bao bỉm sữa. Những món đồ này là của bạn anh Nhân không dùng đến, anh xin về để cuối tuần gửi tặng cho các em nhỏ là con công nhân ở Biên Hoà (Đồng Nai).

Anh Võ Danh Nhân (35 tuổi, con trai bà Loan) cầm trên tay đồ đạc cũ chuẩn bị cho trẻ em nghèo. Ảnh: Anh Nhàn

Anh Võ Danh Nhân (35 tuổi, con trai bà Loan) cầm trên tay đồ đạc cũ chuẩn bị cho trẻ em nghèo. Ảnh: Anh Nhàn

Anh Nhân tâm sự: "Từ khi tôi học lớp 12 là mẹ tôi đã làm công việc này. Ai cho gì mẹ cũng nhận. Đồ nào rách, hư thì mẹ may vá lại rồi phân loại ra để đem cho người cần. Thấy mẹ làm như vậy nên tôi cũng làm theo, mới đó mà đã hơn 10 năm trời. Nhiều người ở khu vực gần đây ai cũng nghe tiếng mẹ tôi xin đồ cũ nên cứ có gì người ta mang đến".

Ngôi nhà nhỏ của bà Loan không chỉ là địa điểm nhận quần áo mà còn bán "đặc sản" có một - không - hai tại Sài Gòn. "Đặc sản" chính là món cơm "cân" mà bà Loan tự hào "chỗ này mà bán cơm rẻ thứ hai thì không nơi nào rẻ nhất".

Hai mươi năm trôi qua, khách đến mua cơm tại quán được bà Loan bán theo ký, "có ký có tiền", kèm với đồ ăn, ăn bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu.

Bà Thu Loan cân cơm cho khách. Ảnh: Anh Nhàn

Bà Thu Loan cân cơm cho khách. Ảnh: Anh Nhàn

Sở dĩ quán cơm ra đời là vì bà Loan nhìn thấy nhiều người bán vé số, lượm ve chai, công nhân lao động thường nhịn đói đi làm vì không có nhiều tiền để ăn cơm. Do đó, bà bán quán cơm theo ký với đủ giá tiền để dễ lựa chọn.

"Hai nghìn cơm cộng với ba nghìn trứng, ba nghìn canh rau là tám nghìn cũng đủ một bữa ăn. Ai ăn thêm thịt, cá nữa thì tầm mười tám đến hai mươi nghìn đồng. Hôm nào làm được nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít nên mọi người dễ lựa chọn ăn cho qua cơn đói. Mình mua bán sòng phẳng không phải cho mà người ta ngại, nên ai cũng tới ăn" - bà Lan nói.

Bà Thanh Thuỷ (56 tuổi, quê Phú Yên) làm nghề bán vé số đến quán cơm lấy tô mua ba ngàn cơm gắp thêm rau, trứng và 2 con tôm chỉ với mười ba nghìn đồng.

Quán cơm

Quán cơm "cân" đón đa số khách là những người lao động nghèo. Ảnh: Anh Nhàn.

"Lúc đầu tôi ăn chỗ khác toàn ba mươi nghìn đồng, một ngày tiền ăn gần bằng tiền bán vé số cả ngày của tôi. 5 năm trước, biết được quán cơm "cân" của bà Loan tôi rất mừng, ngày nào cũng đến. Ăn cơm rẻ mà rất ngon. Hôm nào bán ế thì tôi ăn bảy nghìn, còn bán hết tôi "chơi xộp" ăn hai mươi nghìn cơm. Ăn cơm ở đây không sợ đói" - bà Thanh Thuỷ cười lớn.

Quán cơm "cân" của bà Loan lúc nào cũng tấp nập. Có người tới trong lúc "đói" mua vài nghìn cơm, nhưng cũng có người dư dả đem những đồ cũ đến cho người còn khốn khó. Cứ thế, mỗi ngày qua đi ngôi nhà nhỏ của người phụ nữ 62 tuổi với gương mặt phúc hậu lại nhận thật nhiều nụ cười.